Năm 2024, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát kiểm soát ở mức phù hợp, với mức tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra tăng 4 - 4,5%.
Tuy nhiên, năm 2025, dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định tạo áp lực lên lạm phát toàn cầu, thậm chí có thể xảy ra các cú sốc lạm phát, tác động tới lạm phát trong nước. Còn ở trong nước, nhiều yếu tố gây áp lực gia tăng lạm phát năm 2025 như nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đang ở mức cao, giá điện biến động theo chiều hướng tăng, việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí cũng sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng…
3 kịch bản cho lạm phát 2025
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2025, công tác quản lý điều hành giá dự báo gặp một số thách thức, áp lực đến từ thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (giá nhiên liệu; giá vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm; giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý…) và một số yếu tố khác. Bộ Tài chính giả định biến động giá một số mặt hàng thiết yếu tác động đến CPI theo 3 kịch bản.
Ở kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 3,83% so với năm 2024; kịch bản 2 là 4,15% và kịch bản 3 tăng khoảng 4,5%.
Tổng cục Thống kê dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong khoảng 3,8 - 4,5%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4±0,4% và có tính đến xác suất lạm phát vượt mục tiêu 4,5% có thể xảy ra trong trường hợp Chính phủ phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao trên 8%.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng đề cập đến việc kiểm soát lạm phát, nhất là việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát, đặc biệt là giá điện, nước, học phí, viện phí.
“Trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ phải tuân theo cơ chế thị trường. Kể cả những loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như điện, nước, học phí, viện phí… cũng phải tuân theo cơ chế thị trường, có nghĩa là có tăng, có giảm”, ông Thịnh nói.
Ngoài ra, ông Thịnh cho rằng trong kịch bản kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn năm 2024, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào ổn định; các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng được sức cạnh tranh thì GDP của Việt Nam có khả năng tăng 7,3 - 7,8%; lạm phát tăng 3,5 - 3,8%.
Với kịch bản GDP tăng trưởng từ 8% trở lên, ông Thịnh cho rằng cần thiết phải đẩy mạnh đầu tư công, hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tín dụng phải tăng trưởng 17 - 18%. Với kịch bản này, sẽ có một lượng vốn không nhỏ đầu tư vào nền kinh tế, dẫn đến sức ép lạm phát rất lớn, nhưng khả năng, lạm phát cũng chỉ nằm trong khoảng 3,8 - 4,1%.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
TS Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhấn mạnh: "Với chính sách tiền tệ và tỷ giá ổn định, hợp lý, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% trong suốt một thập kỷ gần đây. Trong năm 2025, nhiều khả năng lạm phát trung bình sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức 3% (+/- 0,5%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4 - 4,5% được Quốc hội thông qua".
Theo Bộ Tài chính, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2025 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn.
Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2025 gồm: Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá khi thị trường có nhu cầu cao trong các dịp lễ, tết; chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá năm 2025; các bộ ngành tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về giá đối với các mặt hàng theo lĩnh vực quản lý (xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, đất đai, bất động sản, vận tải, dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa).
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 tối thiểu phải đạt 8%, lượng tiền để cung vào nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2024. Động lực tăng trưởng được khơi dậy, do vậy điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá, đặc biệt là giá tiêu dùng.
Trong 3 kịch bản lạm phát năm 2025 được Bộ Tài chính đề xuất, Phó thủ tướng đề nghị chọn kịch bản thứ 2 (CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024) để quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện.
Trên tinh thần đó, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng kịch bản điều hành giá của mặt hàng quản lý theo từng quý, gửi cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê để tổng hợp, tham mưu cho Chính phủ các biện pháp điều hành khả thi nhất; thực hiện nghiêm túc Luật Giá để giữ môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh trường hợp thao túng giá, chiếm dụng, nâng giá.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến của thị trường trong nước và thế giới, nhất là diễn biến cung - cầu các loại hàng hóa chiến lược, thiết yếu đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Lam Thanh