Năm 2025, khả năng cao thị trường sẽ theo kịch bản đi lên - tăng trưởng tốt.
Thị trường một năm nhìn lại
Năm 2024 đánh dấu sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam sau giai đoạn phục hồi và tăng trưởng ổn định. Thị trường bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế đó, đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất với nhiều kết quả phục hồi tích cực.
Tính chung cả năm 2024, theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, toàn thị trường ghi nhận khoảng gần 81.000 sản phẩm chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023. Trong đó, có 65.376 sản phẩm chào bán mới, gấp khoảng 3 lần so với năm 2023. Riêng quý IV/2024, thị trường ghi nhận 28.000 sản phẩm chào bán mới, gấp 2 lần so với quý trước và gấp 4 lần cùng kỳ năm 2023.
Lượng giao dịch trong năm 2024 tiếp tục tăng trưởng ổn định khi nguồn cung được cải thiện cả về lượng và chất.
Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận hơn 47.000 giao dịch thành công, tương đương tỷ lệ hấp thụ đạt 72%. Hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp được đóng góp bởi nhu cầu đầu tư.
Năm 2024, thị trường bất động sản có khoảng gần 81.000 sản phẩm chào bán. Ảnh minh họa.
Chuyên gia dự báo kịch bản thị trường
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá thị trường khép lại năm 2024 với các kết quả phục hồi tích cực, nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cơ quan quản lý.
Tuy nhiên theo ông Đính, trong năm 2025, do các quy định của luật mới chưa được áp dụng hoàn toàn nên giá đất dự báo vẫn ở mức hợp lý. Nếu điều tiết tốt, năm 2026 - 2027 thị trường sẽ tiếp tục ổn định; còn các căn chỉnh kỹ thuật chưa hợp lý, có thể sẽ đẩy giá bất động sản lên mức cao hơn, khi đó thị trường sẽ khó khăn.
PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra, gồm: đi xuống, đi ngang và đi lên. Tuy nhiên, khả năng cao thị trường sẽ theo kịch bản đi lên - tăng trưởng khá tốt, bởi tất cả các chỉ báo hiện nay cho thấy thị trường bất động sản 2025 có nhiều cơ sở để tăng trưởng.
Để thị trường hồi phục và phát triển mạnh trong thời gian tới, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần có sự tham gia của tất cả các bên. Trong đó, Nhà nước cần tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, có sự kết nối với các doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng.
Ngân hàng cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Ngoài ra, doanh nghiệp bất động sản bằng mọi cách tái khởi động các dự án cũ, các dự án bị đình trệ ở giai đoạn trước. Nói cách khác, các doanh nghiệp cũng phải tự lực để tháo gỡ khó khăn cho chính mình.
Đơn vị nghiên cứu và phát triển của BHS Group cũng đưa ra 2 kịch bản về thị trường. Cụ thể, nếu kinh tế thế giới phát triển ổn định, trong nước tăng trưởng mạnh, lãi suất duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ thì thị trường bất động sản sẽ phát triển bùng nổ.
Kịch bản dự báo thứ 2, nếu thế giới có nhiều biến động, nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, lãi suất có xu hướng tăng thì thị trường bất động sản sẽ duy trì trạng thái như năm 2024, có tín hiệu tích cực song chưa thể bùng nổ mạnh mẽ.
Dự báo về thị trường năm 2025, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung cho rằng giá nhà sẽ không giảm, nhưng không tăng nhanh như giai đoạn vừa qua, mức tăng có thể từ 5 - 8% so với năm 2024. Theo bà Dung, làm thế nào để có mức giá phù hợp với khả năng chi trả của người dân tiếp tục là câu hỏi khó, thách thức lớn của thị trường mà hiện tại chưa nhìn thấy câu trả lời.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Ngô Hữu Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng giá bất động sản sẽ khó giảm trong giai đoạn tới. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ quy trình phê duyệt dự án thường mất khá nhiều thời gian, khiến gia tăng chi phí đầu tư.
Hơn nữa, việc đấu giá đất phải tuân theo giá thị trường khiến giá trị đầu vào của các dự án cao hơn, kéo theo giá thành bất động sản tăng lên.
Lệ Chi