Kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng

Kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng
2 ngày trướcBài gốc
Tăng thu nhập cho dân, giảm phí cho doanh nghiệp
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nêu ví dụ tháng đầu năm 2025, tháng có 2 kỳ nghỉ Tết, thông thường sức mua tăng mạnh, nhưng thực tế tăng chậm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 đạt 573.300 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 2,5% so với tháng 1. Khó khăn của người dân vẫn hiện hữu, thể hiện qua việc thắt chặt chi tiêu.
Báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, 2 tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 67.000 doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 49.800. Trong đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 10,3% so với cùng kỳ và là mức cao nhất của cùng kỳ các năm giai đoạn 2021 - 2025.
Cần cơ chế huy động vốn linh hoạt cho Quỹ nhà ở Quốc gia.
Theo ông Phan Đức Hiếu, các giải pháp ưu tiên kích cầu hiện nay cần tăng thu nhập, tăng tích lũy cho người dân để kích thích tiêu dùng. Ở góc độ chính sách, cần đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo hướng nâng mức thu nhập chịu thuế, tăng mức giảm trừ gia cảnh, bổ sung các khoản giảm trừ, thiết kế bậc thuế phù hợp… để người dân có thêm khoản tiết kiệm, phục vụ chi tiêu.
Song song đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh; có chính sách hỗ trợ về mặt tài chính cho doanh nghiệp, nhằm kéo giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, góp phần kích thích tiêu dùng. Cụ thể, cần rà soát các chính sách thuế, nếu chưa thực sự cần thiết không nên đề xuất tăng thuế, không tăng các khoản thu cho doanh nghiệp. Trường hợp vẫn buộc phải sửa đổi các luật thuế, cần đặt mục tiêu dài hạn, nên lùi thời hạn áp dụng thêm khoảng 2 - 3 năm nữa.
“Đặc biệt, Chính phủ cần rà soát và sửa đổi các quy định đang làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Chẳng hạn với quy định ký quỹ khi nhập khẩu giấy phế liệu để sản xuất, mỗi lô hàng doanh nghiệp đều phải ký quỹ từ 15 - 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu. Đây là số tiền không nhỏ trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh và không có vi phạm”, ông Phan Đức Hiếu đề xuất.
Giảm thuế, hỗ trợ lãi xuất
“Để đạt GDP 8%, tiêu dùng nội địa cần tăng khoảng 12%, cao hơn mức trung bình 8% của 5 - 10 năm qua. Vì vậy, kích cầu tiêu dùng trong nước trở thành ưu tiên hàng đầu, thông qua các chính sách giảm thuế, hỗ trợ lãi suất và đẩy mạnh chương trình khuyến khích chi tiêu”, ông Nguyễn Minh Tuấn, nhà sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam cho biết.
Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng với lãi suất thấp hơn và tăng cường cho vay phục vụ đời sống. Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, các ngân hàng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) đang đẩy mạnh cung cấp dịch vụ vay tiện lợi cho người dân. Tuy nhiên, việc duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, giúp người dân không coi vay tiêu dùng là gánh nặng, sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, hạn mức tín dụng đối với các công ty tài chính và ngân hàng cần được quản lý chặt chẽ, vì tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này khá cao, từ 10 - 15 % đối với nhóm nợ loại 3, 4, 5. Do đó, chính sách lãi suất hợp lý, kết hợp với quản trị tín dụng hiệu quả là giải pháp cần thiết để vừa thúc đẩy chi tiêu, vừa đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Tín dụng tiêu dùng nên được thúc đẩy trong khuôn khổ quản trị rủi ro phù hợp. Các cơ quan quản lý có thể xem xét điều chỉnh hệ số rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng, giúp cân bằng giữa mở rộng tín dụng và kiểm soát nợ xấu.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 2% từ 1/7/2025 đến hết 31/12/2026 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Chính sách giảm thuế VAT 2% đã góp phần giúp giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân. Trong 2 tháng đầu năm 2025, số thuế VAT được giảm theo Nghị quyết số 174/2024/QH15 ước khoảng 8.300 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách giảm thuế, phí, giãn hoãn nợ và cải thiện cơ chế minh bạch, hạ tầng thông thoáng sẽ giúp củng cố lòng tin của thị trường và người dân. Khi niềm tin được xây dựng, cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi đó, nền kinh tế mới có thể duy trì đà tăng trưởng bền vững, đạt mục tiêu tiêu dùng nội địa tăng trên 12%.
Minh Phương/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/kich-cau-tieu-dung-tao-dong-luc-tang-truong-20250330202757580.htm