Kịch nói dán nhãn phân loại độ tuổi: Vẫn mang tính dò đường

Kịch nói dán nhãn phân loại độ tuổi: Vẫn mang tính dò đường
4 giờ trướcBài gốc
Mỗi nơi một kiểu
Là tân binh trong làng sân khấu, Sân khấu Trương Hùng Minh của nghệ sĩ Minh Nhí không dán nhãn giới hạn độ tuổi trên poster mà chỉ ghi lưu ý ở phần giới thiệu vở kịch. Cụ thể vở kinh dị "Lụa máu" ghi rõ "Vở diễn không dành cho khán giả dưới 13 tuổi, phụ nữ có thai và người có bệnh lý về tim mạch". Còn các vở thuộc dòng chính kịch hay hài kịch thì không có dòng cảnh báo nào. Khán giả tự ngầm hiểu vở không giới hạn độ tuổi người xem.
Kịch kinh dị "Lụa máu" của Sân khấu Trương Hùng Minh cấm khán giả dưới 13 tuổi.
Cách đây 10 năm, "Vũ điệu dưới trăng" (đạo diễn Hòa Hiệp) của Sân khấu kịch Hồng Vân có thể xem là vở kịch đầu tiên của Việt Nam tự gắn mác 18+. NSND Hồng Vân, Giám đốc Sân khấu kịch Hồng Vân khi ấy cho biết: "Vũ điệu dưới trăng" là vở chúng tôi thể nghiệm loại nhạc kịch. Thể loại này thường khó hiểu hơn so với kịch bình thường nên chúng tôi chỉ chọn lọc khán giả 18 tuổi trở lên. Nội dung vở diễn đề cập đến bi kịch gia đình và có những cảnh mà xem qua, nếu không đi hết câu chuyện sẽ dễ gây hiểu lầm. Các bạn thiếu niên, trẻ em chắc chắn sẽ không đủ trải nghiệm, vốn hiểu biết để rút ra bài học trong thời điểm giá trị đạo đức xã hội có dấu hiệu băng hoại".
Song nhiều người vẫn cho rằng, cái mác 18+ (dù chỉ gắn bằng miệng chứ không chính thức trên poster quảng cáo) đa phần xuất phát từ yếu tố kinh dị và cảnh nóng của "Vũ điệu dưới trăng". Tuy cảnh hiếp dâm táo bạo được thể hiện bằng vũ điệu, âm nhạc theo kiểu nhạc kịch, không đến nỗi phải cấm khán giả dưới 18 tuổi nhưng đạo diễn Hòa Hiệp tiết lộ anh muốn dán nhãn cho an toàn.
Đến nay, Sân khấu kịch Hồng Vân vẫn nổi tiếng là một trong những nơi đầu tiên dàn dựng kịch ma và gặt hái nhiều thành công với hàng loạt các vở ăn khách như "Người vợ ma", "Giờ chết", "Quả tim máu", "Ma lực kinh hoàng"… Bên cạnh đó, sân khấu này cũng khai màn cho kịch có cảnh nóng. Gây tranh cãi nhiều nhất phải kể đến vở "Làm…" (dựa theo tiểu thuyết "Làm đĩ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng). NSND Hồng Vân cho hay với những vở như thế, sân khấu chỉ khuyến cáo khán giả là trẻ em, người yếu tim, bà bầu cân nhắc trước khi xem chứ không gắn mác cấm chính thức. Cách làm này có nhiều hạn chế vì hầu hết khán giả dù đã nghe lời khuyên vẫn đưa con cái vào xem. Hậu quả ra sao tự họ chịu trách nhiệm chứ sân khấu không liên quan. Có người lỡ mua vé đành cho con em ở lại theo dõi. Sân khấu cũng không muốn mất khách nên cứ cấm cho có, rồi đâu lại vào đấy.
Hồi mới thành lập, duy trì sáng đèn hàng đêm bằng những vở kịch ma, kịch giới tính nhưng Sân khấu Sao Minh Béo đã chủ động dán nhãn ngay trên tờ rơi cũng như poster quảng cáo. Vở "Người tình trong đêm" làm theo phong cách kinh dị Thái Lan phục vụ mùa Halloween đã được gắn nhãn 18+. Không chỉ có cảnh hù ma, xác chết ớn lạnh mà vở còn có cảnh ái ân nóng bỏng ngay trên sân khấu. Ngoài "Người tình trong đêm", Sân khấu Sao Minh Béo còn có vở "Hồn ma phá án" cũng dán mác 18+, vở kịch giới tính "Mùi da người" gắn mác 12+.
Đây có thể xem là sân khấu đầu tiên dán nhãn cấm và thực hiện một cách bài bản. Đại diện sân khấu này cho hay: "Kịch của sân khấu chúng tôi rất phong phú, đa dạng phục vụ đủ mọi lứa tuổi. Do vậy, chúng tôi phải khoanh vùng đối tượng khán giả cho mỗi vở. Những vở có cảnh nóng nhiều, nói về đề tài tình dục, tình yêu hay tâm lý xã hội, kinh dị thì phù hợp cho lứa tuổi 18 trở lên. Vở hài bình thường thì không giới hạn độ tuổi. Chúng tôi dán nhãn sẵn và kiểm soát rất kỹ. Nhiều cặp vợ chồng đưa con cái đi xem, chúng tôi không cho bé vào, xin họ thông cảm".
Một mũi tên trúng hai đích?
NSƯT Phạm Huy Thục, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh nghi ngại: "Gắn mác phân loại độ tuổi có thể là một thủ thuật của các sân khấu kịch để gây tò mò, đánh vào thị hiếu khán giả dù ý nghĩa của nó là phân khúc đối tượng, cấm trẻ em. Ở nước ta cái gì càng cấm thì khán giả càng tò mò, càng muốn xem. Dù rằng có vở nội dung chẳng có gì đáng cấm".
Vô tình hay hữu ý thì việc gắn mác cũng dẫn đến hiện tượng trên. Nếu gắn mác cho có lệ rồi thả cửa để mọi khán giả đều vào xem thì mục đích đã rõ. Riêng với những sân khấu kiên quyết kiểm soát chặt chẽ khán giả trẻ em thì cái mác 18+ cũng đã hé mở đề tài, nội dung như một cách "chào hàng" đầy hấp dẫn với người lớn.
Hiện nay, việc gắn mác cho sân khấu kịch chỉ manh nha ở vài sân khấu xã hội hóa và vẫn mang tính tự phát, không bị bắt buộc hay quy định nào cụ thể. Điểm qua các sân khấu kịch tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều sân khấu khai thác đề tài giới tính, ma quỷ, tâm linh như Thế Giới Trẻ, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, Sân khấu Hồng Vân… nhưng rất ít sân khấu dán nhãn cấm. Việc cấm trẻ em chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo. Cho nên không hiếm gặp tình trạng đến cảnh ma lại nghe tiếng các bé khóc thét, nhiều em ra khỏi rạp mặt còn tím tái.
Không có hướng dẫn cụ thể, sân khấu nào muốn gắn mác cấm thì tự loay hoay thẩm định xem vở không phù hợp với độ tuổi nào. Điều này dễ dẫn đến tình trạng họ tự gắn mác vô tội vạ để câu khách, dù vở chẳng có gì đáng cấm như NSƯT Huy Thục nghi ngại. Hoặc tệ hơn là vở quá dở nên phải dán mác câu kéo. Như vậy có thể coi cách tự gắn mác giúp kịch nói đạt được hai mục đích: vừa an toàn, vừa tạo sự chú ý.
NSƯT Huy Thục phân tích: "Điện ảnh có luật riêng và quy định cụ thể về gắn mác giới hạn khán giả. Riêng sân khấu thì chưa có. Công chúng đến với sân khấu ở ta thường bao gồm nhiều độ tuổi từ già đến trẻ vì chúng ta chưa có sân khấu dành cho thiếu nhi và người lớn riêng biệt như ở nước ngoài. Ở nước họ, không có chuyện con cái theo bố mẹ đi xem kịch người lớn như Việt Nam. Nếu hội đồng duyệt thấy cảnh nhạy cảm quá thì họ yêu cầu cắt hoặc góp ý thay đổi. "Chiếc kéo" của hội đồng kiểm duyệt là rất cần thiết nhưng nếu hội đồng duyệt can thiệp quá sâu về nghệ thuật thì sẽ gây khó dễ cho sân khấu kịch. Mỗi vở diễn ra mắt công chúng, trước hết nó đã được đạo diễn, ê kíp thực hiện chịu trách nhiệm về nội dung, tư tưởng cũng như những vấn đề nhạy cảm…".
Nhiều vở kịch của Sân khấu Hồng Vân chỉ dừng ở mức khuyến cáo chứ không dán nhãn phân loại độ tuổi.
Đề tài tình dục, bạo lực, ma quỷ là đề tài hấp dẫn với mọi loại hình nghệ thuật. Kịch nói cũng không ngoại lệ. Vở về tình yêu không thể thiếu cảnh nóng để đẩy câu chuyện lên cao trào. Kịch kinh dị phải có những pha nhát ma, hình ảnh, âm thanh rùng rợn. Do đó, để khai thác các đề tài này một cách "đã tay" mà không cần dè dặt, sợ bị hội đồng duyệt và công chúng phản ứng, "ném đá", dán nhãn cấm là cách làm rất hay.
"Việc dán nhãn giới hạn khán giả cho kịch nói trở thành quy định rõ ràng, bài bản là rất cần thiết. Nói vậy không có nghĩa là dán nhãn thì vở tha hồ dựng các cảnh sốc, sex hay kinh dị, bạo lực để đáp ứng nhu cầu nhất thời của khán giả. Đa phần khán giả Việt Nam vẫn chưa có bộ lọc tốt để tránh những thứ phi nghệ thuật, giật gân như khán giả phương Tây. Đồng ý rằng tình dục, bạo lực… là chuyện bình thường trong cuộc sống, là đề tài hay của kịch nhưng phải được khai thác theo một hình thức nghệ thuật tinh tế, đẹp chứ không phải quằn quại, trần trụi.
Nhiều người tưởng thế là hay nhưng đa phần khán giả thấy ngượng, không dám xem vì cảnh nóng trên sân khấu phô bày ở mọi góc nhìn, không được che chắn hoặc xử lý bằng góc quay, ánh sáng như điện ảnh. Không nên lạm dụng cảnh nóng, cảnh đánh nhau và ma quỷ quá đà nếu như nó không thực sự cần thiết. Tôi rất đau đầu khi nhiều bạn sinh viên mới ra trường cứ thích dựng hình ảnh bóng ma trắng bay qua bay lại dù rằng những cảnh hù dọa ấy chẳng liên quan đến vở kịch. Còn kịch tâm lý yêu đương thì hở tí là kéo nhau lên giường hoặc khoe da thịt khiến khán giả bội thực" - NSƯT Huy Thục nói.
Mai Quỳnh Nga
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/kich-noi-dan-nhan-phan-loai-do-tuoi-van-mang-tinh-do-duong-i769206/