Tàu vũ trụ Starship rời bệ phóng tại căn cứ Starbase ở gần thành phố Brownsville, bang Texas (Mỹ) ngày 16/1/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 16/1, Starship cao gần 121 mét và tạo ra lực đẩy 7.590 tấn khi phóng. Các con số này cao hơn hẳn so với một số tên lửa lớn nhất từng được chế tạo, cả trước đây và hiện tại.
Cũng do công ty SpaceX chế tạo, tên lửa Falcon Heavy chỉ cao 70 mét, từng giữ danh hiệu tên lửa hoạt động mạnh nhất thế giới. Falcon Heavy tạo ra lực đẩy khoảng 2.268 tấn, chỉ bằng khoảng 1/3 sức mạnh dự kiến của Starship.
Saturn V là tên lửa nổi tiếng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), từng đưa con người lên Mặt Trăng trong thế kỷ 20. Tên lửa này tạo ra lực đẩy khoảng 3.447 tấn khi phóng. Con số này vẫn chưa bằng một nửa sức mạnh dự kiến của Starship. SpaceX cho biết các nâng cấp trong tương lai có thể giúp Starship đạt lực đẩy gấp ba lần Saturn V. Saturn V cao khoảng 110 mét.
Tàu con thoi (Space Shuttle) là hệ thống phóng chủ lực của NASA thời kỳ hậu Apollo. Tàu con thoi sử dụng hai tên lửa đẩy rắn, tạo ra lực đẩy khoảng 2.404 tấn khi phóng. Hệ thống này cao khoảng 55 mét.
Space Launch System (Hệ thống tên lửa đẩy vũ trụ - SLS) là tên lửa mới của NASA để lên Mặt Trăng, ra mắt lần đầu tiên vào năm 2022, hiện là tên lửa mạnh nhất đang hoạt động vì Starship mới ở giai đoạn phóng thử. SLS tạo ra lực đẩy khoảng 3.992 tấn - chỉ hơn một nửa sức mạnh dự kiê của Starship. SLS cao 65 mét.
Tên lửa N1 là tên lửa siêu lớn được Nga phát triển trong cuộc đua không gian thế kỷ 20. Dù N1 chưa bao giờ hoạt động (cả bốn lần phóng thử đều thất bại), nhưng ông Elon Musk cho biết đây là thiết kế gần nhất với Starship. Theo thiết kế, N1 tạo ra lực đẩy hơn 4.536 tấn khi phóng - vẫn nhỏ hơn 40% so với Starship.
New Glenn là tên lửa mới của Blue Origin, do ông Jeff Bezos sáng lập, có thể tạo ra lực đẩy tối đa 1.723 tấn khi phóng. Con số này thấp hơn đáng kể so với các tên lửa khác trong danh sách, một phần vì New Glenn được thiết kế là tên lửa “tải nặng”, không thuộc cùng phân loại với Starship, vốn được gọi là tên lửa “tải siêu nặng”.
Trong lần phóng thử ngày 16/1, Starship đã gặp sự cố. Tầng đẩy Super Heavy của Starship đã trở về bệ phóng thành công và được cánh tay cơ khí của tháp phóng bắt lại - một thành tựu trước đó chỉ đạt được một lần. Tuy nhiên, phần tàu vũ trụ của Starship đã gặp sự cố dừng động cơ khi đang lên cao.
Video mảnh vỡ Starship rơi xuống như mưa sao băng (Nguồn: RT):
Liên lạc bị mất khoảng 8 phút rưỡi sau khi bay, dẫn đến việc Starship bị tách rời không theo kế hoạch một cách nhanh chóng.
Giám đốc điều hành SpaceX, ông Elon Musk, đã chia sẻ phân tích sơ bộ về nguyên nhân có thể khiến tàu Starship gặp sự cố. Ông viết trên mạng xã hội X: “Dấu hiệu sơ bộ cho thấy có rò rỉ oxy hoặc nhiên liệu trong khoang phía trên vách ngăn động cơ của tàu, gây áp suất vượt quá khả năng thoát khí của hệ thống. Ngoài việc kiểm tra kỹ lưỡng hơn để phát hiện các rò rỉ, chúng tôi sẽ bổ sung hệ thống dập lửa vào khu vực này và có thể tăng diện tích thoát khí. Cho đến nay, chưa có điều gì cho thấy cần phải hoãn lần phóng tiếp theo sang tháng sau”.
SpaceX dự kiến sử dụng Starship để triển khai các vệ tinh Starlink và cuối cùng đưa các phi hành đoàn đến Mặt Trăng và Sao Hỏa. SpaceX và cả NASA đặt mục tiêu lớn với tên lửa này.
NASA muốn sử dụng Starship để thực hiện chặng cuối của hành trình đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên sau năm thập kỷ trong khuôn khổ chương trình Artemis. Năm 2021, cơ quan này đã ký hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD với SpaceX để thực hiện nhiệm vụ này và sau đó ký thêm một hợp đồng trị giá 1 tỷ USD.
Theo lịch trình mới nhất của NASA, lần hạ cánh lên Mặt Trăng có phi hành đoàn đầu tiên của Starship có thể diễn ra sớm nhất vào giữa năm 2027.
Starship cũng là trọng tâm để thực hiện mục tiêu đưa con người lên Sao Hỏa của SpaceX. Mục đích sáng lập của công ty là biến con người thành một loài sống trên nhiều hành tinh, đưa họ đến sống trên các hành tinh khác trong trường hợp Trái Đất không còn thích hợp cho sự sống. Nhiệm vụ này đòi hỏi một tên lửa thật sự lớn.
Ông Elon Musk từng nói năm 2023 nói: “Chúng tôi đang cố gắng chế tạo một thứ có khả năng tạo ra một căn cứ vĩnh viễn trên Mặt Trăng và một thành phố trên Sao Hỏa – đó là lý do vì sao nó lớn như vậy”.
Việc mục tiêu này có khả thi hay không về kinh tế, công nghệ và chính trị vẫn còn là một câu hỏi. Tuy nhiên, ông Musk và SpaceX đã thu hút được một lượng lớn người hâm mộ trung thành ủng hộ ý tưởng này.
Starship còn có một số mục tiêu khác như đưa du khách vũ trụ lên các chuyến đi tới không gian sâu. Ít nhất một khách hàng là tỷ phú Jared Isaacman (người gần đây được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm giám đốc NASA) đang dẫn đầu một chương trình phát triển cùng với SpaceX và dự định một ngày nào đó sẽ bay trên Starship.
Starship còn có nhiệm vụ phóng các lô vệ tinh Starlink của SpaceX, cung cấp dịch vụ internet trên toàn cầu. Tên lửa này cũng có khả năng phóng các thiết bị khoa học mới, như kính viễn vọng không gian.
Thùy Dương/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kich-thuoc-va-suc-manh-vuot-xa-moi-doi-thu-cua-ten-lua-vu-tru-starship-20250117113404774.htm