Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân Ukraine ở thủ đô Kiev thức dậy vào sáng 17/11 đã chứng kiến một cuộc không kích lớn từ Nga với cuộc tấn công kết hợp liên quan đến thiết bị bay không người lái (UAV) cảm tử và tên lửa hành trình siêu vượt âm.
Chính quyền từ cả hai phía Nga và Ukraine đã xác nhận cuộc tấn công trên, với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả quy mô của cuộc không kích liên quan đến khoảng 120 tên lửa, trong đó có tên lửa siêu vượt âm và 90 UAV, trong khi Bộ Quốc phòng Nga đã ban hành một tuyên bố nêu chi tiết về hoạt động này, sử dụng vũ khí trên không chính xác tầm xa cũng như UAV.
Trong số các vũ khí chính được sử dụng từ cuộc tấn công này có tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal, một loại vũ khí nổi tiếng về tốc độ và khó đánh chặn. “Các hệ thống Patriot do Mỹ và Đức cung cấp cho Ukraine đã tham gia và hoạt động đánh chặn tên lửa Kinzhal phóng từ trên không của Nga trên bầu trời Kiev", kinh thông tin tình báo nguồn mở OSINTtechnical bình luận trên trang mạng X (trước đây là Twitter). Tuy nhiên, cuộc tấn công của Nga không chỉ giới hạn ở Kiev mà đã lan rộng ra nhiều khu vực khác của Ukraine.
Sau loạt không kích trên khắp Ukraine, khu vực Odessa của Ukraine đã báo cáo tình trạng mất điện và nước trên diện rộng, với lệnh ngừng cung cấp điện khẩn cấp. Các biện pháp tương tự cũng được thực hiện ở các vùng Poltava và Chernihiv. Tại Volyn, cơ sở hạ tầng năng lượng bị ảnh hưởng, nhưng các báo cáo sơ bộ cho thấy không có thương vong.
Theo ghi nhận của kênh Telegram Kyiv Info, Ukraine đã phải đối mặt với một trong những đợt tấn công tên lửa quy mô lớn nhất từ Nga, nhắm vào các cơ sở sản xuất và truyền tải năng lượng trên toàn quốc. Như Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đánh giá: "Sáng nay (17/11), Nga đã tiến hành một trong những cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV lớn nhất trong lịch sử." Tại quận Dnipro và Holosiivskyi của Kiev, nhiều mảnh vỡ tên lửa đã được phát hiện, trong đó có một mảnh rơi gần siêu thị Silpo.
Sự xuất hiện của các mảnh vỡ từ tên lửa hành trình của Nga cho thấy các hệ thống phòng không của Ukraine, bao gồm cả các hệ thống Patriot tiên tiến, đã được kích hoạt. Các hệ thống này được thiết kế để vô hiệu hóa nhiều mối đe dọa khác nhau, từ tên lửa đạn đạo đến tên lửa hành trình.
Việc kích hoạt các hệ thống Patriot trong các tình huống chiến đấu thực tế chống lại các vũ khí tinh vi và hiện đại của Nga như Kinzhal có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Ukraine. Các hệ thống này nằm trong số ít hệ thống trên thế giới có khả năng phát hiện và đánh chặn các mục tiêu siêu thanh hay siêu vượt âm. Các vụ đánh chặn thành công không chỉ cho thấy hiệu quả công nghệ của các hệ thống phòng không mà còn chứng minh nỗ lực phối hợp giữa quân đội Ukraine và các công nghệ phương Tây được cung cấp để giảm thiểu tác động từ những cuộc tấn công bằng tên lửa này.
Chiến thuật tấn công từ Nga và điểm yếu của Patriot
Tuy nhiên, bất chấp khả năng đã được chứng minh, hệ thống phòng không Patriot vẫn có những hạn chế, đặc biệt là khi phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn kết hợp với UAV cảm tử. Việc tấn công dồn dập với nhiều loại vũ khí cùng lúc khiến việc đánh chặn hiệu quả trở nên khó khăn vì số lượng tên lửa đánh chặn có sẵn trong bất kỳ khẩu đội phòng không nào cũng là hữu hạn. Điều này tạo ra nguy cơ một số tên lửa của đối phương sẽ tránh được việc đánh chặn, dẫn đến việc đánh trúng thành công các mục tiêu được bảo vệ.
Chiến lược tấn công dồn dập này có thể là một động thái có chủ đích của Nga, nhằm mục tiêu làm "quá tải" các hệ thống phòng không của Ukraine và làm giảm hiệu quả của chúng. Điều này cũng cho thấy tính dễ bị tổn thương của bất kỳ hệ thống phòng không nào khi nguồn lực của nó cạn kiệt hoặc bị phân tán mỏng giữa quá nhiều mối đe dọa.
Việc đưa UAV cảm tử có giá trị rẻ hơn vào chiến thuật nghi binh, đánh lạc hướng càng làm tăng thêm áp lực cho những người vận hành hệ thống Patriot, buộc họ phải "lãng phí" các tên lửa đánh chặn có giá trị cao hơn để đối phó với những mối đe dọa nhỏ hơn. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của một chiến lược phòng không cân bằng, sử dụng cả hệ thống lớn hơn, đắt tiền hơn và hệ thống nhỏ hơn, giá cả phải chăng hơn để giảm thiểu tác động của các chiến lược như vậy.
Ukraine sở hữu một số lượng hạn chế các hệ thống phòng không Patriot, được cung cấp bởi các đối tác quốc tế vào năm 2023. Đức và Mỹ là những nhà cung cấp chính, mỗi quốc gia gửi một khẩu đội. Ngoài ra, Hà Lan cung cấp các thành phần để tăng cường các hệ thống này. Mỗi khẩu đội bao gồm một hệ thống radar, sở chỉ huy và bệ phóng có thể bắn các tên lửa đánh chặn như PAC-2 và PAC-3, được thiết kế cho các loại mối đe dọa khác nhau.
Vị trí chính xác của các hệ thống Patriot được giữ bí mật để tránh bị phá hủy trong các cuộc không kích của Nga. Các nhà phân tích cho rằng một số được triển khai xung quanh Kiev, nơi chúng bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và các tòa nhà chính phủ. Những hệ thống khác có thể bảo vệ các điểm chiến lược, chẳng hạn như các trung tâm năng lượng hoặc các địa điểm quân sự ở Tây Ukraine. Các hệ thống này được tích hợp vào mạng lưới phòng không khác, bao gồm các tổ hợp thời Liên Xô cũ như S-300, cho phép phòng thủ nhiều lớp để bảo vệ không phận.
Patriot hoạt động dựa trên một hệ thống radar mạnh mẽ có thể phát hiện và theo dõi mục tiêu với một trạm chỉ huy tính toán quỹ đạo và xác định xem mối đe dọa có nên bị tiêu diệt hay không. Các tên lửa đánh chặn PAC-2 có hiệu quả chống lại tên lửa hành trình và máy bay, trong khi các tên lửa đánh chặn PAC-3 chuyên dùng cho tên lửa đạn đạo. Tính linh hoạt này khiến chúng trở thành một thành phần quan trọng trong việc chống lại các mối đe dọa trên không phức tạp. Tuy nhiên, số lượng tên lửa đánh chặn hạn chế của hệ thống khiến nó dễ bị tổn thương trong các cuộc tấn công dồn dập với nhiều loại vũ khí khác nhau.
Lý do đằng sau thành công hay thất bại trong việc đánh chặn tên lửa của Nga phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với tên lửa như Kinzhal, di chuyển với tốc độ siêu vượt âm và có quỹ đạo không thể đoán trước, ngay cả các radar tiên tiến trên hệ thống Patriot cũng có thể bị quá tải. Hơn nữa, các cuộc tấn công phối hợp liên quan đến nhiều tên lửa hành trình và UAV tạo ra hiệu ứng "bão hòa" , buộc người vận hành phải tính toán ưu tiên các mục tiêu. Các yếu tố kỹ thuật như trục trặc thiết bị hoặc lỗi tính toán cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo bulgarianmilitary.com)