Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao, tính đến tháng 9 năm 2024, có khoảng 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy lên tới 770 xe/1.000 dân, thuộc loại cao nhất thế giới. Các thống kê khác cho thấy số lượng xe máy, xe máy điện chiếm khoảng 93% tổng số phương tiện giao thông đường bộ.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, hiện nay việc kiểm định khí thải xe máy ở Việt Nam triển khai tương đối chậm so với các nước trong khu vực. Nếu không quyết liệt thực hiện sẽ khó phát triển giao thông bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân.
TS. Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông nhấn mạnh, khối lượng hợp chất gây hại từ xe máy thải ra môi trường là cực kỳ lớn và cần phải sớm triển khai các giải pháp kiểm soát khí thải với loại xe này. Trước thực trạng phát triển xe máy ồ ạt và báo động ô nhiễm tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, việc kiểm định khí thải xe máy theo định kỳ với xe có thời gian sản xuất trên 5 năm là cần thiết.
Theo ông Sanh, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025. Đây là cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng để chủ trương kiểm định, kiểm soát khí thải đối với xe máy có thể đi vào thực tiễn sau nhiều năm chậm trễ. Theo đó, năm 2025 là thời điểm phù hợp để cụ thể hóa chủ trương kiểm soát khí thải đối với xe máy khi đã hội đủ các yếu tố về pháp lý, truyền thông, điều kiện kỹ thuật cũng như điều kiện kinh tế của người dân.
Điều này sẽ góp phần phát triển giao thông bền vững và nâng cao chất lượng sống người dân theo kịp đà tăng trưởng kinh tế, giúp thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam. Tuy nhiên, do lượng xe máy tại Việt Nam rất lớn nên kiểm soát khí thải là bài toán nan giải. Ông Sanh cho rằng, xe máy ở Việt Nam không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là sinh kế của rất nhiều người. Do đó, các cơ quan liên quan phải nghiên cứu rất cẩn trọng để đánh giá tác động và đưa ra lộ trình, giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Quang Huân, ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần xã hội hóa việc kiểm định khí thải xe máy. Cùng với đó, cần có quy định rõ về quy trình, tiêu chuẩn cũng như quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình đăng kiểm. Ông Huân nêu thực tế, người sử dụng xe máy cũ hiện chủ yếu là người lao động có mức sống thấp. Do đó các cơ quan chức năng nên có nghiên cứu việc hỗ trợ chi phí để người dân chuyển đổi phương tiện.
Hà Nội đã có một số điểm kiểm tra khí thải với xe máy
“Để thực hiện việc này, Chính phủ, cơ quan chức năng cần phải cân nhắc, nghiên cứu các giải pháp một cách bài bản, căn cơ. Làm sao để kiểm soát được khí thải xe máy hiệu quả, nhưng cũng ít ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. Các bộ, ngành liên quan cần sớm tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành lộ trình để làm căn cứ thực hiện đồng bộ”, ông Huân đề xuất.
Sau khi Thông tư số 47/2024/TT-BGTVT được ban hành, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã có báo cáo đưa ra loạt giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc và rút ngắn thời gian kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.
Nhằm giảm số lượng xe phải đến cơ sở kiểm định khí thải, Thông tư này quy định, đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sử dụng đến 5 năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thực hiện cấp giấy chứng nhận kiểm định khí thải trên phần mềm quản lý kiểm định trên cơ sở kết quả chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy trong sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, lấy từ dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam kết hợp cơ sở dữ liệu về đăng ký, quản lý xe cơ giới của Bộ Công an.
Đại diện Cục Đăng kiểm cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước sẽ có gần 3.000 cơ sở đảm bảo cho việc triển khai thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc và tiết kiệm được chi phí đầu tư cơ sở vật chất, từ đó giúp giảm phí dịch vụ kiểm định.
“Việc xây dựng chu kỳ kiểm định sẽ dựa trên kết quả khảo sát nghiên cứu, đánh giá thực tế và tham khảo việc áp dụng chu kỳ kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy của các nước trên thế giới đã và đang áp dụng”, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.
Thái Thu