Trong thời gian qua, cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đã bắt giữ, truy cứu trách nhiệm hình sự và đưa ra xét xử thành công đối tượng hoạt động mua bán, tàng trữ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn huyện.
Nhiều tang vật có liên quan đến vụ án.
Đây cũng là vụ “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” có quy mô và số lượng động vật lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại huyện Đăk Glei. Đối tượng có liên quan đã bị bắt giữ và đã được đưa ra xét xử với hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục chung.
Vật chứng vụ án là 43 cá thể động vật hoang dã và động vật nguy cấp, quý, hiếm; thời điểm thu giữ tất cả các cá thể động vật đều đã chết gồm: 11 cá thể rùa đầu to, 9 cá thể tê tê Java, 10 cá thể khỉ đuôi lợn và 13 cá thể khỉ mặt đỏ.
Kiểm sát viên VKSND huyện Đăk Glei kiểm sát quá trình tiêu hủy vật chứng vụ án.
Vào 14h ngày 14/1/2025, ngay sau khi Bản án hình sự số 10/2024/HS-ST của TAND huyện Đăk Glei về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” có hiệu lực pháp luật, Kiểm sát viên - VKSND huyện Đăk Glei trực tiếp tham gia hội đồng tiêu hủy vật chứng.
Trước và trong quá trình xử lý vật chứng trên, Kiểm sát viên VKSND huyện Đăk Glei đã nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ, kiểm tra các thủ tục tố tụng và căn cứ pháp lý nhằm kiểm sát việc mở niêm phong và tiêu hủy vật vật chứng là động vật hoang dã và động vật nguy cấp, quý, hiếm của Chi cục THADS huyện Đăk Glei.
Tại buổi làm việc, Kiểm sát viên đã tiến hành kiểm tra, đối chiếu số lượng, chủng loại 43 cá thể động vật trên cơ sở vật chứng thực tế với bản ảnh và kết luận giám định có tại hồ sơ vụ án.
Tiêu hủy vật chứng bằng hình thức đốt.
Hội đồng tiêu hủy vật chứng đã tiến hành tiêu hủy động vật hoang dã và động vật nguy cấp, quý, hiếm chết bằng hình thức sử dụng xăng đốt, dưới sự chứng kiến của đại diện Phòng tài chính – kế hoạch huyện Đăk Glei và đại diện UBND xã Đăk Pek.
Thông qua công tác kiểm sát chặt chẽ việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã và động vật nguy cấp, quý, hiếm trong tố tụng hình sự có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tố tụng. Đồng thời, đóng góp một phần vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài, cũng như tránh gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh./.
Tố Nhi