Kiểm soát acid uric trong cơ thể - nên ăn và nên tránh những thực phẩm gì?

Kiểm soát acid uric trong cơ thể - nên ăn và nên tránh những thực phẩm gì?
14 giờ trướcBài gốc
NỘI DUNG
1. Chế độ ăn ít purin giúp giảm nồng độ acid uric trong cơ thể
2. Những thực phẩm khiến tăng acid uric trong cơ thể gây bệnh gout
3. Những thực phẩm tốt nhất nên ăn giúp giảm acid uric trong cơ thể
4. Khuyến nghị của các chuyên gia
Mức acid uric cao trong máu có thể dẫn đến bệnh gout và sỏi thận. Chế độ ăn ít purin thường được chỉ định cho những người mắc chứng tăng acid uric máu - purin trong thực phẩm chúng ta ăn sẽ phân hủy thành acid uric trong cơ thể, vì vậy việc giảm purin trong chế độ ăn giúp giảm nồng độ acid uric.
Khi acid uric dư thừa, chúng tạo thành các tinh thể sắc nhọn tích tụ trong khớp, dẫn đến sưng tấy và đau đớn dữ dội. Một cách giúp giảm lượng acid uric trong cơ thể bằng cách duy trì chế độ ăn ít purin. Việc giảm mức acid uric không chỉ ngăn ngừa hình thành các tinh thể mới mà còn giúp giảm tần suất các cơn gout cấp tính.
1. Chế độ ăn ít purin giúp giảm nồng độ acid uric trong cơ thể
Chế độ ăn ít purin khuyến khích một số thực phẩm được chọn lọc có thể giúp giảm nồng độ acid uric trong cơ thể. Ảnh: AI
Purin là các hóa chất có sẵn tự nhiên trong một số thực phẩm và đồ uống. Khi cơ thể chuyển hóa các hóa chất này, acid uric chính là sản phẩm phụ được tạo ra. Một chế độ ăn ít purin tập trung vào việc hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng purin cao nhất nhằm giảm sản xuất acid uric. Chế độ ăn ít purin cũng khuyến khích một số thực phẩm được chọn lọc có thể giúp giảm nồng độ acid uric trong cơ thể.
Việc giảm các thực phẩm giàu purin có lợi khi nồng độ acid uric cao trong máu (tăng acid uric máu hay hyperuricemia). Điều này có thể giúp ngăn ngừa bệnh gout ở những người có nguy cơ nhưng chưa phát triển bệnh. Nó cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh gout hiện có tiến triển và phòng tránh các biến chứng khác của tăng acid uric máu, chẳng hạn như sỏi thận.
2. Những thực phẩm khiến tăng acid uric trong cơ thể gây bệnh gout
Đồ uống và đồ ngọt nhiều đường: Đường ăn thông thường chứa một nửa là fructose, chất này khi phân hủy sẽ tạo thành acid uric. Bất kỳ thực phẩm hay đồ uống nào có hàm lượng đường cao đều có thể gây ra cơn gout.
Si-rô ngô fructose cao: Khi chuyển hóa sẽ trực tiếp làm tăng sản xuất acid uric và giảm khả năng bài tiết của thận. Hãy kiểm tra kỹ nhãn mác của đồ uống có gas, bánh kẹo, ngũ cốc ăn sáng và các thực phẩm chế biến sẵn.
Rượu: Mặc dù không phải tất cả đồ uống có cồn đều giàu purin nhưng rượu ngăn cản thận đào thải acid uric, kéo acid uric trở lại cơ thể, nơi nó tiếp tục tích tụ.
Nội tạng động vật: Bao gồm gan, lòng, lá lách, óc và thận...
Thịt đỏ: Bao gồm thịt bò, bê, nai, cừu, heo, ngỗng và thịt xông khói...
Một số loại hải sản: Mặc dù hải sản là nguồn protein và omega-3 dồi dào nhưng một số loại lại có hàm lượng purin tương đối cao hoặc cao.
Cá trích, cá cơm, cá mòi, cá ngừ thường có hàm lượng purin rất cao (trên 150-200 mg/100 g, thậm chí có loại lên đến 300-400 mg/100 g).
Các loại như sò điệp, vẹm, cá tuyết, cá hồi cũng nằm trong nhóm có hàm lượng purin từ trung bình đến cao (khoảng 100-200 mg/100 g).
Thịt gà tây: Loại thịt nạc này dù vậy vẫn giàu purin. Đặc biệt nên tránh thịt gà tây chế biến sẵn.
Men và chiết xuất men: Thường có trong các sản phẩm lên men, nước sốt thịt đậm đặc.
Bông cải trắng (súp lơ): Cũng có thể góp phần làm tăng acid uric nếu ăn quá nhiều và thường xuyên, vì vậy nên kiểm soát lượng nạp vào.
3. Những thực phẩm tốt nhất nên ăn giúp giảm acid uric trong cơ thể
Sữa tách kem: Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy uống sữa tách kem có thể giúp giảm acid uric và các đợt bùng phát gout. Nó đẩy nhanh quá trình bài tiết acid uric qua nước tiểu và cũng làm giảm phản ứng viêm của cơ thể đối với các tinh thể acid uric trong khớp.
Quả anh đào: Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu lợi ích của quả anh đào và nước ép anh đào trong việc kiểm soát các triệu chứng gout. Anh đào có đặc tính chống viêm, giúp giảm acid uric trong cơ thể.
Cà phê: Cà phê có tính acid nhưng loại acid trong cà phê rất khác với acid uric. Trên thực tế, uống cà phê hàng ngày có thể làm giảm mức acid uric bằng nhiều cách. Nó làm chậm quá trình phân hủy purin thành acid uric và tăng tốc độ bài tiết.
Nước: Những người uống 5 - 8 ly nước mỗi ngày ít có khả năng gặp các triệu chứng gout hơn. Điều này hợp lý vì thận sử dụng nước để bài tiết acid uric qua nước tiểu. Nước cũng tốt cho sức khỏe thận. Chức năng thận suy giảm là một yếu tố có thể góp phần gây ra bệnh gout.
4. Khuyến nghị của các chuyên gia
Hầu hết các loại trái cây và rau củ đều ít purin có lợi cho việc kiểm soát acid uric.
Thay vì tập trung vào từng loại thực phẩm cụ thể, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn chế độ ăn uống tổng quát để giảm nồng độ acid uric.
Đa dạng hóa nguồn protein: Một số loại thịt và hải sản có hàm lượng acid uric cao hơn nhưng nếu bạn ăn nhiều loại và tránh xa những thực phẩm "tội đồ" tệ nhất được liệt kê ở trên, bạn sẽ ổn thôi.
Trái cây và rau củ: Hầu hết các loại trái cây và rau củ đều ít purin và rất giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất. Chúng không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn giúp duy trì môi trường kiềm nhẹ trong cơ thể, có lợi cho việc kiểm soát acid uric. Đặc biệt khuyến khích các loại rau xanh đậm, trái cây có múi.
Đậu xanh: Đây là một lựa chọn đậu ít purin, dễ tiêu hóa và vẫn đảm bảo cung cấp protein. Đậu xanh nảy mầm còn tốt hơn.
Bí xanh và mướp hương: Những loại rau này không chỉ ít purin mà còn có tính mát, giúp giải độc và bù nước cho cơ thể.
Ngũ cốc nguyên hạt (trừ yến mạch): Gạo, mì ống, bánh mì nguyên hạt... là những nguồn carbohydrate tốt, ít purin và cung cấp chất xơ, giúp ổn định đường huyết.
ThS. BS Trần Phương Thảo
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/kiem-soat-acid-uric-trong-co-the-nen-an-va-nen-tranh-nhung-thuc-pham-gi-169250704115054022.htm