Kiểm soát chặt báo cáo đánh giá tác động công nghệ xử lý rác

Kiểm soát chặt báo cáo đánh giá tác động công nghệ xử lý rác
2 giờ trướcBài gốc
Phân loại, thu gom, xử lý rác thải vẫn còn lúng túng
- Ông đánh giá thế nào về việc thu hút các nguồn lực để xử lý, tái chế chất thải theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển ở nước ta hiện nay?
- Thực tế, Việt Nam đã có những bước tiến rất lớn trong việc quản lý rác thải nói chung và chất thải rắn nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa có được những chính sách quản lý có tính tập trung và mang tính hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có những cách quản lý rất khác nhau và chưa có đánh giá mang tính chính thống về các hoạt động quản lý rác thải trên toàn quốc.
Đơn cử như tại Thủ đô Hà Nội, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc quản lý, thu gom, xử lý rác vẫn còn ngổn ngang những bất cập. Ví dụ chúng ta đã vận động, thực hành giảm thiểu rác thải (chương trình 3R): tiết giảm (Reduce), tái sử dụng (Reuse) và tái chế (Recycle) từ khá lâu. Khi thực hiện mô hình 3R sẽ mang lại một số lợi ích cơ bản như: nâng cao ý thức của người dân, các doanh nghiệp về vấn đề rác và xử lý rác; ngăn ngừa các vấn đề suy thoái môi trường: giảm ô nhiễm môi trường không khí và nước ngầm. Bên cạnh đó, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, chi phí khai thác nguyên liệu, tiết kiệm chi phí thu gom và xử lý rác thải, giảm lượng rác thải hàng ngày. Đồng thời, giảm quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác.
Ở Hà Nội, dự án này mang tính chất thí điểm phân loại rác hữu cơ tại nguồn từ đó nhân rộng ra toàn thành phố và các địa phương khác. Nhưng thực tế, chương trình này không đạt được những kết quả như mong đợi. Theo đó, rác thải hữu cơ, vô cơ có thể được phân loại tại nhà, tuy nhiên lại được thu gom lẫn lộn tại các điểm tập kết, vận chuyển. Điều này, khiến việc phân loại rác không còn hiệu quả.
GS. TS Hoàng Xuân Cơ
Không riêng gì Hà Nội, các địa phương khác cũng gặp tình trạng tương tự và chúng ta còn lúng túng trong câu chuyện phân loại, thu gom, xử lý rác thải. Dĩ nhiên, điều đó kéo theo việc chúng ta chưa thực hiện hiệu quả việc xử lý, tái chế rác theo hướng xanh, thân thiện với môi trường.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ và ý thức của người dân về việc phân loại, xử lý rác thải cũng phần nào được nâng lên. Những công nghệ thu gom, xử lý, tái chế rác thải với tầm tư duy càng ngày càng phát triển.
Chúng ta đã đóng cửa rất nhiều bãi chôn lấp rác, xây dựng các nhà máy đốt rác tương đối hiện đại, tuy nhiên số lượng và công suất của các nhà máy xử lý, tái chế rác này vẫn khá khiêm tốn. Do đó, chúng ta vẫn chưa thể tận dụng hết nguồn lực mà rác thải có thể mang lại…
- Hiện nay, một số loại chất thải rắn mới nổi như: chất thải rắn xây dựng, chất thải điện tử và chất thải nhựa trên biển ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, Tuy nhiên, các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải rắn vì sao chưa được áp dụng mạnh mẽ như kỳ vọng, thưa ông?
- So với các nước phát triển, lượng chất thải rắn trong công nghiệp, xây dựng… của Việt Nam chưa quá lớn. Tuy nhiên, những rác thải ấy cũng đang là mối lo với Việt Nam cũng nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nó có thể mang đến những hậu quả nặng nề về môi trường trong tương lai không xa nếu chúng ta không có những giải pháp xử lý hiệu quả ngay từ bây giờ…
Hiện nay, Việt Nam cũng đã có những cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý về dịch vụ môi trường, quản lý rác thải, chất thải rắn khá rõ ràng. Tuy nhiên, khâu thực thi vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ trong xử lý, tái chế rác thải, chất thải rắn… vẫn ít, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này cũng còn nhỏ.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn thiếu cơ chế có thể thu hút được các doanh nghiệp tham gia vào xử lý, tái chế các nguồn rác thải… Điều đặc biệt quan trọng như tôi đã nói ở trên là chúng ta chưa thực hiện tốt khâu phân loại, thu gom rác để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý, tái chế rác. Điều này lại giảm hiệu quả vận hành và hiệu năng của các nhà máy xử lý, tái chế rác, giảm lợi nhuận của các nhà đầu tư…
Bên cạnh đó, nguồn lực về con người được đào tạo chuyên sâu, công nghệ, phương tiện và khả năng đánh giá tác động đến môi trường của rác thải, đặc biệt là chất thải rắn, chất thải công nghiệp tại các địa phương còn hạn chế.
Thực tế, ở nước ta, số người đi thu mua phế liệu rất lớn, họ có thể nhanh chóng tháo dỡ, phân loại những rác thải rắn, rác thải điện tử một cách nhanh chóng. Đó là một lợi thế, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có công nghệ, nguồn lực về con người có chuyên môn để xử lý, tái chế các loại rác thải này để không gây những tác động thứ cấp. Bởi đa số những rác thải này sẽ được thu gom về tay những thương lái, “làng nghề phế liệu” để xử lý bằng các hình thức như nấu, đốt, chưng cất… tái chế một cách thủ công, sơ sài, thiếu công nghệ. Chúng ta chưa có đánh giá nào về các tác động thứ phát ở các “làng nghề phế liệu” này…
Do đó, để thực hiện một các hiệu quả việc giảm thiểu phát sinh chất thải rắn, rác điện tử… chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển để xây dựng các chính sách, giải pháp về môi trường một cách hiệu quả, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Cần chính sách đặc thù
- Hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý chất thải rắn hiện nay đang được thực hiện thế nào thưa ông?
- Có thể thấy các quy định, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn… của chúng ta cũng tương đối đầy đủ, nếu chúng ta thực hiện đúng quy trình, đúng các quy định trong việc thẩm định các dự án công nghệ liên quan đến xử lý rác thải, chất thải rắn thì hiệu quả mang lại là rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc khó nhất hiện nay nằm ở khâu phân loại rác mà chúng ta vẫn chưa làm được, thì sẽ rất khó để hiện thực hóa các dự án xử lý chất thải một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Bãi rác Nam Sơn. Nguồn: Internet
Vậy thì làm sao để xây dựng, vận hành, quản lý các nhà máy xử lý rác, nhà máy điện rác một cách hiệu quả? Tôi cho rằng, để đánh giá, thẩm định công nghệ các dự án xử lý rác thải, chất thải rắn hiệu quả thì đầu tiên chúng ta cần thực hiện tốt cơ chế kiểm soát, lập báo cáo đánh giá tác động tới trường xem các công nghệ đó có phát sinh những chất thải độc hại ra môi trường hay không.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm các quy trình khi thẩm định dự án. Tiếp đó, là khâu thanh, kiểm tra xem các nhà máy, dự án đó có thực hiện đúng các cam kết về xả thải ra môi trường hay không, các khâu xử lý đúng kỹ thuật hay chưa…
- Để quản lý rác thải, đặc biệt là chất thải rắn hiệu quả hơn, góp phần cải thiện môi trường đem lại sức khỏe cho người dân, theo ông, chúng ta cần sửa đổi, bổ sung quy định gì để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương không?
- Tôi cho rằng, các chính sách môi trường về vĩ mô ở Việt Nam là rất tốt, khá đầy đủ. Chúng ta đã tham khảo, rút kinh nghiệm được các nước phát triển.
Thật ra tất cả những vấn đề về môi trường, không riêng gì Việt Nam mà đa số các quốc gia đều phải đối mặt. Thậm chí, có những quốc gia đã và đang phải gánh chịu những hậu quả về môi trường rất nặng nề. Rút kinh nghiệm từ những bài học thực tế đó, chúng ta đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, những quy định khá đầy đủ để giảm những tác động của môi trường. Tận dụng những thế mạnh về môi trường làm nguồn lực để phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thực tế, chúng ta kiên quyết không nhập rác thải độc hại, có nguy cơ tàn phá môi trường, không cho phép những ngành nghề có thể gây ô nhiễm hoạt động, chủ động áp dụng các công nghệ nhằm giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải… Đó là những chỉ đạo mang tính thực tiễn cao và hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, để quản lý rác thải, chất thải rắn và xử lý các vấn đề về môi trường nói chung một cách hiệu quả, chúng ta vẫn cần có những chính sách, ưu đãi về nguồn vốn với các dự án về môi trường. Tạo điều kiện hơn nữa để các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý rác thải thành điện năng hay tái chế rác thành các vật liệu thân thiện với môi trường…
Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể để các địa phương có thể thực hiện thành công các dự án, nhà máy xử lý, tái chế rác, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường. Tạo ra các nguồn năng lượng tái chế góp phần phát triển nền kinh tế bền vững theo hướng xanh…
- Xin cảm ơn ông!
Đức Hiệp thực hiện
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/kiem-soat-chat-bao-cao-danh-gia-tac-dong-cong-nghe-xu-ly-rac-post390801.html