Kiểm soát chặt giá vé máy bay dịp cuối năm

Kiểm soát chặt giá vé máy bay dịp cuối năm
7 giờ trướcBài gốc
Săn vé máy bay Tết từ tháng 9
Gần cuối tháng 9, nhiều hãng hàng không Việt Nam đã thông báo mở bán sớm vé máy bay Tết Nguyên đán, dao động từ 13/1-12/2/2025 (tức 14 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng Âm lịch, năm Ất Tỵ). Cụ thể: Vietnam Airlines mở bán 1,5 triệu chỗ; Vietjet Air mở bán 2,6 triệu chỗ; Bamboo Airways và Vietravel Airlines chưa có thông báo chính thức nhưng thời điểm này, du khách đã có thể đặt vé Tết trên website hãng và một số ứng dụng. Như thường lệ, các đường bay cao điểm dịp Tết Nguyên đán 2025 của các hãng tập trung vào 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh tới một số tỉnh thành như Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc…
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài.
Biết được thông tin năm nay được nghỉ 9 ngày Tết, các hãng hàng không lại bán vé sớm, anh Phùng Thái Sơn (Ngọc Hồi, Hà Nội) lập tức lên mạng tìm vé. Hai điểm đến trong danh sách du lịch Tết anh tính đưa cả nhà đi chơi là Nha Trang hoặc Côn Đảo. "Giá vé Hà Nội - Nha Trang bay ngày 27-30/1 (28 Tết đến mùng 2 Tết) vẫn khá cao, khoảng 4 triệu đồng/chặng khứ hồi. Với chặng Hà Nội - Côn Đảo, bay thẳng, giá vé khoảng 7,5 triệu đồng/khứ hồi. Nếu bay thẳng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội - Cần Thơ, giá vé khoảng 4 triệu đồng/khứ hồi nhưng lại mất thêm chi phí xe, tàu trung chuyển ra đảo, mức này giá vé không hề rẻ”, anh Thái Sơn chia sẻ.
Theo khảo sát sơ bộ, ngay khi vừa mở bán, giá vé Tết Nguyên đán trên một số đường bay "hot" của hãng một số hãng đã neo ở mức cao. Cụ thể, từ 27/1 đến 2/2/2025 (tức từ 28 Tết đến mùng 5 Tết Ất Tỵ), chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và các chặng từ Hà Nội/TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt… có giá dao động 3,8-7,5 triệu đồng/khứ hồi, tùy giờ bay, hãng bay.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines và Vietjet Air (2 hãng hàng không chiếm thị phần vận chuyển hàng không nội địa lớn nhất, hơn 76% vào năm 2023) thì yếu tố chủ yếu tác động đến giá thành dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với năm 2023 gồm: Chi phí sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; chi phí thuê/ khấu hao thiết bị bay; chi phí nhiên liệu bay. Các chi phí này tăng cơ bản do đơn giá thuê/mua trên thế giới tăng và trung bình tỷ giá USD/VND 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,4% so với năm 2023. Đối với hãng hàng không Vietjet, còn có nguyên nhân chi phí tài chính tăng do phát sinh thêm các khoản vay chi trả cho hoạt động thuê máy bay, chi trả chi phí vận hành, hoạt động khai thác và lỗ chênh lệch tỷ giá trong hoạt động kinh doanh máy bay. Ngoài ra, giá nhiên liệu bay Jet A1 tại thị trường Việt Nam, ngoài chịu tác động về biến động giá Jet A1 trên thế giới thì đang chịu tác động lớn của 3 loại thuế là thuế nhập khẩu xăng dầu; thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Tổng chi phí liên quan đến 3 loại thuế này chiếm tỷ trọng từ 7,7%-8,7% tổng chi phí 1 chuyến bay.
Yêu cầu các đơn vị giảm giá vé
Để góp phần giảm áp lực về giá vé máy bay nội địa do yếu tố cung - cầu thị trường, từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm, ổn định lực lượng vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay và thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách.
Trong đó, trọng tâm với các giải pháp: Tạo điều kiện để các hãng có thể thuê bổ sung đội máy bay; điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác máy bay, giảm thời gian quay đầu máy bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày; tăng cường thêm các chuyến bay vào khung giờ chiều tối và đêm; tăng tham số điều phối tại các cảng hàng không trọng điểm trong các giai đoạn cao điểm và phù hợp với tình hình dự báo thị trường, chỉ đạo các đơn vị/doanh nghiệp trong ngành hàng không rà soát quy trình, phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không bảo đảm hoạt động khai thác, phục vụ hành khách…
Thực tế, các giải pháp được triển khai đã mang lại những hiệu quả tích cực, bù đắp một phần lượng tải cung ứng thiếu hụt do sụt giảm đội máy bay. Cùng với các giải pháp đã và đang triển khai trên, để chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm 2024 và sẵn sàng cho dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2025, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng sắp xếp, cân đối nguồn lực vận tải, phối hợp với các đơn vị phục vụ mặt đất để bảo đảm nguồn cung tải phù hợp; triển khai mở bán sớm các vé máy bay phục vụ giai đoạn Tết để hành khách có thể lựa chọn, xây dựng kế hoạch di chuyển phù hợp.
Thời gian tới, Vietnam Airlines dự kiến nhận thêm 3 máy bay; Vietjet Air dự kiến nhận 8 máy bay A321 và 2 máy E190 (máy bay E190 phục vụ khai thác chặng Hà Nội - Côn Đảo đang tạm dừng sau khi Bamboo Airway trả máy bay, tái cơ cấu). Hai hãng hàng không Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng đang có kế hoạch tăng số máy bay khai thác để phù hợp với năng lực và nhu cầu phát triển thị trường.
Phạm Huyền
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/giao-thong/kiem-soat-chat-gia-ve-may-bay-dip-cuoi-nam-i745548/