Kiểm soát lãi suất để người gửi không phải chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác

Kiểm soát lãi suất để người gửi không phải chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác
một ngày trướcBài gốc
Phó Thống đốc Đào Minh Tú điều hành cuộc họp chiều 7/1
Ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỉ đồng trong năm 2024
Chiều 7/1, tại họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, năm qua, tín dụng nền kinh tế tăng 15,08%. Tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Trước đó, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm 2024 là tín dụng tăng 14-15%.
Với đà này, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, con số tăng trưởng tín dụng 16% không phải mục tiêu cuối cùng mà mục tiêu quan trọng hơn cả vẫn là kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tiền đồng, ổn định tỷ giá.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, doanh số cho vay cả năm 2024 của ngành ngân hàng đạt khoảng 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ khoảng 21 triệu tỷ đồng. Mức cung ứng thêm cho nền kinh tế tăng so với dư nợ của năm 2023 là khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Dư nợ hiện nay còn 15,6 triệu tỷ đồng, trong khi cuối năm 2023 là 13,6 triệu tỷ đồng. Điều đó thể hiện tỷ trọng vốn tín dụng đưa vào nền kinh tế là rất cao.
Nhìn lại năm 2024, Phó Thống đốc nhận xét, đã đảm bảo chính sách tiền tệ hợp lý, tăng trưởng GDP 7,08%, kiểm soát lạm phát 3,6%. Lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn đang hài hòa. Lãi suất huy động bình quân năm 2024 tăng 0,73%/năm so với cuối năm 2023, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,59%/năm. Trong đó, 4 ngân hàng Big4 giảm lãi suất cho vay trung bình gần 1%/năm so với cuối năm 2023.
"Cuối năm 2024, một số ngân hàng thương mại nhỏ tăng lãi suất huy động để bảo đảm tính thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi nhưng chưa có dấu hiệu phải ngăn chặn. Lãi suất huy động hoàn toàn trong tầm kiểm soát để người gửi tiền không phải chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, tiền không chảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Năm 2024, lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn đang hài hòa. Lãi suất huy động bình quân năm 2024 tăng 0,73%/năm so với cuối năm 2023, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,59%/năm. Ảnh minh họa
Lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản giảm hơn 50%
Về điều hành tỷ giá, có lúc tăng lên hơn 7% nhưng so với châu Á thì tỷ giá của Việt Nam vẫn ổn định hơn cả. Trung bình cả năm, tỷ giá tăng khoảng 5,03%. Tỷ giá lúc lên, lúc xuống theo cung cầu của thị trường, đảm bảo sự hài hòa và cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư hoàn toàn yên tâm về tỷ giá của Việt Nam.
Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, năm qua, chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá thế giới có lúc đã lên đến gần 20 triệu đồng/lượng nhưng nay chỉ còn khoảng 3 - 4 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước cũng đang tính đến sửa đổi Nghị định 24 để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
"Ngân hàng Nhà nước coi việc ổn định thị trường vàng là nhiệm vụ rất cấp thiết cần phải hành động ngay" - Phó Thống đốc nhấn mạnh
Công nghệ thanh toán là vấn đề thời sự của năm 2024. Đến nay đã có 84,7 triệu tài khoản ngân hàng được xác thực sinh trắc học. Những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản đã giảm trên 50% kể từ sau khi ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước nhận định, năm 2024, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và không đều, lạm phát các nước hạ nhiệt rõ hơn sau thời gian thắt chặt tiền tệ và giá dầu giảm. Các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất, thị trường hàng hóa, tiền tệ biến động mạnh do tính bất định của kinh tế toàn cầu. Kinh tế trong nước tăng trưởng tích cực, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra. So với các nước trên thế giới, Việt Nam là điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thu hút vốn FDI.
Tuy nhiên, Việt Nam có độ mở lớn nên gặp nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, lãi suất USD quốc tế giảm nhưng vẫn ở mặt bằng cao và tương quan kinh tế Mỹ với các nền kinh tế khiến đồng USD sẽ vẫn diễn biến phức tạp, tạo ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Nhận định về những thách thức đối với tăng trưởng tín dụng 2025, ông Đào Minh Tú cho rằng, nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, sức khỏe tài chính yếu khiến khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế. Điều này cũng khiến rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong năm sau.
Hải Yến
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/kiem-soat-lai-suat-de-nguoi-gui-khong-phai-chay-tu-ngan-hang-nay-sang-ngan-hang-khac-20250107174632318.htm