Con dao 2 lưỡi
Vụ việc liên quan Quang Linh Vlog, Hằng “du mục”, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và Tập đoàn Chị Em Rọt quảng cáo bán sản phẩm kẹo Kera, cũng như rất nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOLs khác livestream bán hàng kém chất lượng bị phanh phui… đã minh chứng cho tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm.
Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng “du mục” và Quang Linh Vlog tham gia livestream quảng cáo kẹo rau Kera (ảnh chụp màn hình)
Chuyên gia truyền thông Hạ Hồng Việt cảnh báo, tình trạng này không chỉ gây tổn thất tài chính cho người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và niềm tin của công chúng vào các sản phẩm quảng cáo. Sự bùng nổ của các sản phẩm kém chất lượng và những lời quảng cáo không đúng sự thật đang tạo môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, làm khó những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
KOLs thiếu trách nhiệm khi quảng bá sản phẩm khiến niềm tin của người tiêu dùng bị xói mòn. Hệ quả là không chỉ các sản phẩm kém chất lượng gặp khó khăn trong tiêu thụ, mà cả những thương hiệu uy tín cũng phải đối mặt với sự nghi ngờ từ công chúng. Mặt khác, việc quảng cáo thiếu minh bạch làm suy giảm hiệu quả truyền thông, vì người tiêu dùng dần trở nên hoài nghi về các thông tin quảng bá sản phẩm. “Họ cần phải kiểm chứng chất lượng sản phẩm trước khi quảng bá, nếu không sẽ vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai lệch”, chuyên gia Hạ Hồng Việt chia sẻ. Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng, KOLs và nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình, chứ không thể chỉ chăm chăm vào lợi ích tài chính.
Phải có giấy phép hành nghề
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương), cần có một hệ thống quy định và cấp phép cho KOLs và nghệ sĩ hành nghề quảng cáo. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong bối cảnh quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng nở rộ. Cấp phép không chỉ để kiểm soát chất lượng quảng cáo mà còn buộc KOLs và nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm với thông tin mình đưa ra.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và hiệp hội ngành nghề để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo công khai việc tài trợ cho KOLs. KOLs phải cung cấp thông tin chính xác, yêu cầu chứng minh từ tổ chức, cá nhân kinh doanh và chịu trách nhiệm nếu thông tin không chính xác. Đồng thời, KOLs cần thông báo rõ ràng cho người tiêu dùng về việc họ được tài trợ để quảng bá sản phẩm”, bà Nguyễn Quỳnh Anh thông tin.
Để giảm thiểu tình trạng quảng cáo sai sự thật, việc áp dụng cơ chế “phong sát” cũng là một biện pháp hiệu quả được các chuyên gia gợi ý. Theo đó, KOLs và nghệ sĩ vi phạm có thể bị tẩy chay, không được hợp tác với các thương hiệu, từ đó tạo sức ép buộc họ phải có trách nhiệm với nội dung quảng cáo. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần mạnh tay xử lý các vi phạm, từ việc phạt tiền đến tước giấy phép hành nghề đối với những cá nhân không tuân thủ quy định.
Các chuyên gia cũng cho rằng, một hệ thống cấp phép và cơ chế giám sát chặt chẽ sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của KOLs và nghệ sĩ, đồng thời tạo ra một môi trường quảng cáo lành mạnh, minh bạch. Khi quảng cáo được kiểm soát tốt, người tiêu dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn khi tin tưởng vào sản phẩm và dịch vụ được quảng bá. Đồng thời, các thương hiệu uy tín cũng sẽ có cơ hội phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Sẽ bị hạn chế hoạt động nghệ thuật và xuất hiện trên các phương tiện truyền thông
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được Bộ VH-TT-DL hoàn thiện. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất, những người có tầm ảnh hưởng (sở hữu từ 500.000 lượt theo dõi trở lên trên tài khoản mạng xã hội) cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về quảng cáo. Họ phải cung cấp bằng chứng xác thực về việc đã trực tiếp sử dụng sản phẩm được quảng cáo... Chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 6-4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Hải Bình cho biết, những người nổi tiếng mà vi phạm Luật Quảng cáo có thể bị hạn chế hoạt động nghệ thuật và xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
PHÚC HẬU