Ngày 6-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Dự thảo luật tập trung vào các nhóm vấn đề lớn, gồm: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cần rút ngắn quy trình, thủ tục đầu tư công
Dự thảo luật đề xuất quy định phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỉ đồng. Đồng thời, phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý; phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn sử dụng vốn ngân sách trung ương hay sử dụng vốn ngân sách địa phương...
ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) nhất trí với việc cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền nhưng phải bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công. "Phân cấp, phân quyền phải phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tổ chức thực hiện" - bà Nga nói.
Về đề xuất phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ HĐND cho UBND cùng cấp, ĐB Nga cho rằng việc chuyển thẩm quyền từ cơ quan dân cử là HĐND sang UBND là thay đổi lớn, cần có nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ, toàn diện. HĐND là các cơ quan quyết định về ngân sách, cơ quan quyền lực nhà nước và thực hiện quyền giám sát nên việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó chủ tịch UBND quyết định đầu tư, một quy trình chặt chẽ, biện pháp để kiểm soát quyền lực như luật hiện hành là phù hợp.
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tháo điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng (GPMB), ĐB Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng việc bổ sung quy định tách công tác GPMB thành dự án độc lập sử dụng các nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công cho công tác chuẩn bị đầu tư, sẽ góp phần rút ngắn thời gian trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư công. Tuy nhiên, vấn đề quy trình, thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần phải được rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án. Theo ông Cường, thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư công mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy chữa cháy...
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu về cơ chế đấu thầu thuốc tại cuộc họp Quốc hội ngày 6-11Ảnh: Hồ Long
Gỡ khó cho nhà thuốc bệnh viện
Cùng ngày, thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu, ĐB Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đề nghị cân nhắc thêm sự phù hợp của cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu như quy định tại Điều 82 Luật PPP hiện hành đối với trường hợp, các dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP hiện hành có hiệu lực.
ĐB Lưu Bác Mạc cho rằng việc sụt giảm doanh thu của các dự án BOT, trong thực tế có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đại biểu chỉ đề xuất tập trung xử lý đối với các dự án BOT đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân phát sinh là do khách quan. Việc này nhằm bảo đảm quan điểm lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ và không hợp pháp hóa sai phạm.
Góp ý về nội dung sửa đổi đối với Luật Đấu thầu, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cũng nhấn mạnh các quy định để quản lý nhà thuốc bệnh viện hiện đã rất chặt chẽ, trong đó bao gồm cả quy định về tỉ lệ lợi nhuận. "Đấu thầu không phải con đường duy nhất, không phải con đường tốt nhất. Nếu chúng ta chỉ chú trọng vào chuyện giảm giá sẽ là tiền đề của việc giảm chất lượng. Nếu chúng ta cho rằng đấu thầu chắc chắn sẽ dẹp được tiêu cực thì tôi nghĩ thực tế đã trả lời" - ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói. Cũng theo bà Lan, thực tế trên thị trường vừa qua có nhiều người đặt câu hỏi rất hay, tại sao bao nhiêu năm không thiếu thuốc mà bây giờ mới thiếu, không thể đổ thừa hết cho COVID-19. "Tôi xin nói, không có quốc gia nào mà một viên thuốc vào bệnh viện lại bị quản nhiều như vậy" - bà Lan nhấn mạnh.
Ngày 7-11, theo chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Làm rõ cơ chế thanh toán dự án BT
Liên quan tới cơ chế thanh toán hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), ĐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) cho biết theo dự thảo luật, có thể thanh toán bằng tiền hoặc bằng quỹ đất. Nếu thanh toán bằng quỹ đất thì khi nhà đầu tư hoàn thành khối lượng 50% giá trị công trình cũng có thể thanh toán.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu thanh toán bằng quỹ đất, giá tạm tính ban đầu khi đưa vào báo cáo tiền khả thi hoặc khi hợp đồng lựa chọn nhà đầu tư là giá do HĐND cấp tỉnh quyết định vào thời điểm đó, nhưng thời điểm hoàn thành dự án PPP thì giá đất lại khác, sẽ có sự chênh lệch. Do đó, cần phải quy định rõ trong cơ chế thanh toán.
VĂN DUẨN - MINH CHIẾN