Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
3 giờ trướcBài gốc
Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được quan tâm thực hiện (Ảnh minh họa)
Gần đây, căn cứ theo Điều lệ Đảng, Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị, ngày 04/9/2024, Tỉnh ủy ban hành Quy định số 1537-QĐ/TU về kiểm soát quyền lực, PCTN,TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Quyết định này có 4 chương, 14 điều; trong đó, Chương 1 là quy định chung; Chương 2 là kiểm soát quyền lực, PCTN,TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chương 3 là xử lý vi phạm; chương 4 là điều khoản thi hành.
Quy định này áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong lãnh, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Theo quy định này, nguyên tắc kiểm soát quyền lực, PCTN,TC trong hoạt động tố tụng, thi hành án gồm:
Thứ nhất là bảo đảm sự lãnh, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTN,TC tỉnh, cấp ủy các cấp; sự giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ Việt Nam, chính quyền, cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai là bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn.
Thứ ba là bảo đảm tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật, quy định, quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Thứ tư là bảo đảm công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Thứ năm là kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thứ sáu là tuân thủ các chủ trương, quy định của Đảng và các quy định của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, Quy định cũng nêu rõ phương thức kiểm soát quyền lực, PCTN,TC trong hoạt động tố tụng, thi hành án gồm:
Thứ nhất là lãnh, chỉ đạo, tham mưu xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử để kiểm soát quyền lực, PCTN,TC trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Thứ hai là lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tự phê bình và phê bình, trách nhiệm nêu gương, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và các biện pháp khác kiểm soát quyền lực, phòng ngừa vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; công tác giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; công tác tự kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Thứ ba là lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan này.
Thứ tư là kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; việc giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thứ năm là lãnh đạo, chỉ đạo về chủ trương xử lý các vụ án, vụ việc theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu kiểm tra, thanh tra, xem xét lại các quyết định của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Quy định cũng nêu rõ 28 nhóm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy và thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng; trách nhiệm của người đứng đầu và thành viên tập thể lãnh đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; trách nhiệm của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; hành vi nào chưa có quy định xử lý thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định của các tổ chức, đoàn thể để xử lý cho phù hợp.
Trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm giữ lại để xử lý nội bộ./.
Lê Đức
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/kiem-soat-quyen-luc-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-trong-hoat-dong-dieu-tra-truy-to-xet-xu-thi-hanh-an-a185243.html