Kiểm soát quyền lực trong thanh tra

Kiểm soát quyền lực trong thanh tra
3 giờ trướcBài gốc
Dụ dỗ, hăm dọa thành viên đoàn thanh tra
Vừa qua, Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM nhận được báo cáo của Chánh Thanh tra quận 1 về tình trạng một số tổ chức và cá nhân chủ động liên hệ nhằm thỏa thuận, lôi kéo, dụ dỗ hoặc mua chuộc lãnh đạo cơ quan thanh tra. Mục đích của những hành động này là để đơn vị của họ không bị đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm.
Thanh tra TPHCM xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, quản lý làm việc tại một số đơn vị của TPHCM
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thanh tra, các thành viên của đoàn thanh tra cũng không ít lần gặp phải những đề nghị mua chuộc, dụ dỗ, thậm chí là các lời lẽ hăm dọa. Có trường hợp còn nhờ những người có chức vụ và ảnh hưởng để liên hệ, thăm dò về kết quả xác minh cùng các nội dung dự kiến trong kết luận thanh tra. “Nếu Thanh tra quận không báo cáo về các hành vi này thì rất khó để hình dung về tính phức tạp của các hành vi lôi kéo, tha hóa, từ đó đề ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý”, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh thông tin.
Đây không phải thực trạng xảy ra riêng tại quận 1 mà cơ quan thanh tra ở nhiều địa phương, đơn vị cũng gặp phải. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Thủ Đức Trần Quốc Trung nhận xét, các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra có chức trách và quyền hạn lớn trong thi hành nhiệm vụ, từ quá trình chuẩn bị thanh tra, kiểm tra đến kết luận xử lý vụ việc. Vì vậy, các đối tượng bị kiểm tra thường tìm cách tác động, mua chuộc các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra để thay đổi nội dung, bản chất vụ việc hoặc thay đổi kết luận thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh việc thành viên đoàn thanh tra bị tác động trực tiếp, nhiều địa phương, đơn vị cho biết còn thường xuyên xảy ra tình trạng đối tượng thanh tra, đơn vị, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp hồ sơ không đầy đủ, kịp thời nhằm phục vụ cho việc kiểm tra, xác minh hoặc báo cáo không trung thực nội dung theo yêu cầu của đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra, song hiện chưa có văn bản quy định áp dụng các biện pháp chế tài để xử lý đối với hành vi này...
Tập trung giám sát đội ngũ cán bộ
Thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị, thời gian qua, Thanh tra TPHCM tập trung quán triệt, định hướng, giáo dục về tư tưởng, đạo đức công vụ và bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra; thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc đối với mọi hoạt động của đội ngũ chuyên viên, công chức. Theo Phó Chánh Thanh tra TPHCM Phạm Văn Nghì, Thanh tra TPHCM đẩy mạnh nâng cao chất lượng giám sát hoạt động thanh tra, như phân công người giám sát hoạt động của đoàn thanh tra đối với tất cả đoàn thanh tra được thành lập, thậm chí cùng tham dự các buổi làm việc với các đối tượng bị thanh tra.
Ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh cho biết, trong quá trình triển khai các hoạt động thanh tra, lãnh đạo Quận ủy và UBND quận 1 thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình triển khai, tiến độ thực hiện và kết quả hoạt động thanh tra thông qua chế độ báo cáo, các cuộc họp giao ban định kỳ và đột xuất. Đặc biệt, trong suốt quá trình thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra, Chủ tịch UBND quận 1 đều trực tiếp giám sát hoặc phân công Chánh Thanh tra quận giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, qua đó theo dõi, giám sát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục đích thanh tra đã được phê duyệt.
Tại quận 7, UBND quận chỉ đạo Thanh tra quận cụ thể hóa Quy định số 131-QĐ/TW bằng 6 nội dung. Trong đó, tập trung mạnh vào yếu tố con người, như quán triệt công chức, thanh tra viên thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định, chương trình kế hoạch và quy trình nghiệp vụ khi tham gia các đoàn thanh tra; rà soát, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của công chức… Ngoài ra, UBND quận 7 yêu cầu đẩy mạnh các giải pháp tự kiểm tra trong hoạt động thanh tra. Cụ thể như, xây dựng kế hoạch chi tiết hoạt động của đoàn thanh tra; thông báo lịch làm việc; việc tiếp xúc đối tượng thanh tra phải có ít nhất 2 thành viên; làm việc tại cơ quan, đơn vị vào giờ hành chính… Qua đó đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh thiếu sót của công chức, thành viên đoàn thanh tra, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.
Qua thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW, nhiều địa phương kiến nghị Trung ương bổ sung một số hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra được nêu trong quy định này vào Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Luật Thanh tra năm 2022.
Chẳng hạn, bổ sung hành vi lợi dụng các mối quan hệ thân quen, sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép đối với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Ngoài ra, các địa phương kiến nghị Trung ương xây dựng chế độ đãi ngộ và phúc lợi tương xứng với trách nhiệm, rủi ro nghề nghiệp của cán bộ, công chức thanh tra; có chính sách bảo vệ, khuyến khích, đào tạo, bồi dưỡng tạo điều kiện cho cán bộ ngành thanh tra nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ...
THU HƯỜNG - THÁI PHƯƠNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/kiem-soat-quyen-luc-trong-thanh-tra-post770562.html