Kiểm soát tăng trưởng tín dụng: Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ công cụ thị trường

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng: Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ công cụ thị trường
một ngày trướcBài gốc
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế
Những ngày cuối năm 2024, tình trạng ngân hàng nhờ doanh nghiệp vay thêm để giải ngân ngay nhằm đạt KPI đã giảm mạnh, tăng trưởng tín dụng kỹ thuật gần như không còn, ông nhận định gì về diễn biến này?
Theo tôi, đó là do lòng tin kinh doanh suy giảm và tại sao suy giảm là do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, lo ngại Tổng thống Mỹ Donal Trump áp thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ông Trump đã đe dọa áp thuế quan 60% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Sau khi đắc cử, ông đưa ra ý tưởng áp thuế quan bổ sung 10% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Dù mức thuế được áp là bao nhiêu, Trung Quốc cũng đang có nguy cơ đứng trước một giai đoạn leo thang căng thẳng thương mại mới với Mỹ.
Đồng thời với đó, ông Trump dự kiến sẽ áp 10% thuế cho hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, dự báo kinh tế thế giới suy giảm 0,3%, lạm phát tăng thêm 0,3%, sức mua suy giảm dẫn đến thương mại toàn cầu cũng giảm khoảng 0,2%. Trong trường hợp các nước đồng loạt trả đũa Mỹ sẽ có thể khiến chi phí về nguyên vật liệu và cung ứng toàn cầu tăng lên. Áp lực lạm phát cũng làm cho Mỹ chậm tiến độ giảm hoặc neo lãi suất ở mức cao, khiến USD tăng giá và ảnh hưởng đáng kể đến chi phí xuất nhâp khẩu của Việt Nam vốn là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Bộ đệm vốn của ngành ngân hàng Việt Nam còn tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế năm 2024 phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng khu vực FDI cả về xuất khẩu, thặng dư thương mại và giải ngân vốn đầu tư. Mặc dù giải ngân đầu tư khu vực FDI khá ấn tượng trên 7%, đầu tư công tăng khoảng 2,7 - 3%, nhưng đầu tư khu vực tư nhân nội địa tăng chậm khoảng 7%, chưa bằng một nửa những năm trước Covid. Khu vực doanh nghiệp nội địa có liên quan đến tín dụng ngân hàng Việt lại trong tình trạng tiếp tục khó khăn ngoại trừ lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, còn công nghiệp chế biến, chế tạo thì thâm hụt thương mại rất lớn khoảng 20-25 tỷ USD. Như vậy, tín dụng dành cho đầu tư chủ yếu dành cho khu vực tư nhân trên thực tế vẫn gặp khó khăn.
Thứ ba, tiêu dùng nội địa giảm. Tỷ lệ tăng tổng doanh số bán hàng trừ đi lạm phát chỉ còn khoảng 5,7 - 6%, trong khi năm trước gần 8%. Điều này cho thấy, thu nhập dân cư và vay tiêu dùng vẫn giảm, kể cả cho vay mua nhà. Đáng chú ý, số liệu đến cuối tháng 12/2024 còn cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ còn 49,8 điểm, dưới ngưỡng 50 điểm, chỉ số thấp nhất trong vòng 3 tháng qua, chỉ số về việc làm cũng suy giảm liên tục, đặc biệt trong quý IV. Kết quả những chỉ số này cho thấy, các điều kiện kinh doanh tổng thể đã suy giảm nhẹ vào thời điểm cuối năm. Đây là hiện tượng khác với nhiều năm trước đây.
Tóm lại, những yếu tố trên có ảnh hưởng nhất định đến lòng tin kinh doanh của doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại nên tăng trưởng tín dụng đã có những diễn biến khác so với các năm trước.
Diễn biến về tăng trưởng tín dụng cuối năm đã đưa đến những thảo luận lại về việc bỏ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ biện pháp này. Quan điểm của ông là gì?
Tăng trưởng tín dụng nên giao cho các ngân hàng thương mại tính toán trên cơ sở vốn chủ sở hữu, khả năng huy động và cho vay theo nguyên tắc thị trường và điều tiên quyết các ngân hàng thương mại cần đảm bảo đó là hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trên thực tế, chỉ tiêu này của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với thông lệ quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng tiến tới xóa bỏ room tín dụng và giám sát hệ thống ngân hàng theo chuẩn quốc tế.
Cụ thể, bỏ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại có điều kiện lựa chọn những dự án cho vay và hình thức cho vay (trả chậm, tín chấp, bắc cầu, tài trợ thương mại) và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về rủi ro có thể có. Đây là nguyên tắc tối thiểu của kinh tế thị trường. Nguyên tắc này cũng cho phép dân chúng, doanh nghiệp tự lựa chọn ngân hàng thương mại có uy tín để gửi tiền, mở tài khoản và chịu trách nhiệm về tiền gửi của mình theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi; tránh tình trạng chọn ngân hàng lãi suất cao để gửi như một số ngân hàng những năm qua.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý tập trung giám sát tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, ví dụ như cho vay người có liên quan, cho vay các hạng mục có nguy cơ rủi ro như đầu cơ bất động sản… Mặt khác, khuyến khích cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, cho vay tiêu dùng, cá nhân, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là cho vay phát triển công nghệ mới như số hóa, bán dẫn, AI… Cụ thể hơn, nhà điều hành khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng thông qua cơ chế thị trường theo thông lệ quốc tế. Đó là hoạt động của nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thị trường liên ngân hàng thông qua các hoạt động tái chiết khấu, tái cấp vốn theo đúng nghĩa thực của nghiệp vụ này.
Nói tóm lại, Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ các công cụ thị trường để kiểm soát một cách hiệu quả cung tiền và tăng trưởng tín dụng mà không cần phải sử dụng các công cụ hành chính trong lĩnh vực này. Đó là vai trò quan trọng nhất của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế.
Dự báo về tăng trưởng tín dụng năm 2025, ông có nhận định gì?
Năm 2025 chưa có dấu hiệu đột phá về lòng tin kinh doanh, nhất là khu vực tư nhân nội địa kể cả trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến cũng như thị trường bất động sản. Riêng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp có thể vẫn giữ được đà tăng trưởng tích cực.
Thị trường sản xuất hàng công nghiệp và công nghiệp chế biến như đã nói ở trên phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu, trong khi dự báo tốc độ tăng đơn hàng xuất khẩu vẫn chậm ít nhất trong nửa đầu năm 2025.
Thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng phục hồi khó khăn. Năm 2025 là năm có hiệu lực của 3 đạo luật liên quan đến bất động sản, cũng là năm các địa phương công bố mức giá đất mới. Điều này kỳ vọng tạo hiệu ứng tích cực cho việc đền bù và giải phóng mặt bằng, thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản và dự án đầu tư công. Tuy nhiên, việc phục hồi các nguồn cung của dự án, nguồn cung đất sạch còn cần có thời gian, vì vậy giao dịch trên thị trường nhà ở dù đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ trong năm 2024 nhưng vẫn tiếp tục phục hồi chậm chạp trong năm 2025.
Cần phải lưu ý rằng, thị trường bất động sản là khu vực thu hút đầu tư của doanh nghiệp nội địa rất lớn, chiếm tới khoảng 25% tín dụng của nền kinh tế (trên 3 triệu tỷ đồng - theo thống kê chưa đầy đủ). Vì vậy, tín dụng dành cho khu vực này chậm sẽ kéo theo đó là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất, đồ điện gia dụng cũng đang trong tình trạng phục hồi chậm chạp. Vì vậy, có thể tăng trưởng tín dụng năm 2025 chưa thể có sự đột phá, thậm chí các ngân hàng thương mại còn thận trọng hơn trong việc mở rộng tín dụng như mong muốn của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, một khối lượng lớn cung tiền đang đi vào các thị trường rủi ro cao như bitcoin, đất nền, thị trường chứng khoán, vàng mà phần lớn thị trường này không nằm trong danh mục hàng hóa tính chỉ số lạm phát. Đây là rủi ro tiềm ẩn cho kinh tế vĩ mô trong dài hạn.
Nhuệ Mẫn thực hiện.
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/kiem-soat-tang-truong-tin-dung-ngan-hang-nha-nuoc-co-day-du-cong-cu-thi-truong-post361232.html