Tuy nhiên, do chế tài xử lý chưa đủ mạnh, cũng chưa có cơ chế di dời các cơ sở sản xuất này ra khỏi khu dân cư nên công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần thêm chế tài xử lý.
Cơ sở sản xuất ép bạt số nhà 20, 22, 24 ngõ 242 phố Phú Viên (quận Long Biên) thường xuyên hoạt động gây tiếng ồn và có mùi khét nồng nặc.
Nhiều cơ sở hoạt động tự phát
Theo khảo sát của phóng viên tại địa bàn quận Long Biên, hiện vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư. Tại 3 số nhà 20, 22, 24 ngõ 242 phố Phú Viên (quận Long Biên), có một cơ sở sản xuất ép bạt thường xuyên hoạt động, không chỉ gây tiếng ồn mà còn có mùi khét nồng nặc. Người dân đã phản ánh nhiều lần tới các cơ quan chức năng nhưng tại thời điểm phóng viên có mặt ở khu vực này (ngày 13-5), cơ sở trên vẫn sản xuất bình thường. Cũng trên phố Phú Viên còn có một số cơ sở sản xuất đồ cơ khí xây dựng, thường xuyên cắt sắt, đục đẽo khiến các hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại địa bàn quận Nam Từ Liêm, cơ sở sản xuất in ấn ni lông tại số nhà 35, ngõ 63 phố Đại Mỗ, phường Đại Mỗ liên tục hoạt động, phát khí thải có mùi khét rất khó chịu. Anh Nguyễn Tiến Thành, người dân phường Đại Mỗ cho biết, các hộ gia đình xung quanh cơ sở này phải đóng cửa thường xuyên để mùi khét không xộc thẳng vào nhà. Tuy nhiên người dân rất lo lắng vì môi trường ô nhiễm, độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ em. Trong khi đó, xưởng nhuộm hấp tại số nhà 11 ngõ 68 phố Triều Khúc (huyện Thanh Trì) thường xuyên hoạt động khiến mùi hóa chất, thuốc nhuộm nồng nặc trong không khí. Các loại nước thải từ việc nhuộm hấp đổ thẳng vào hệ thống thoát nước dân sinh...
Tiếp tục khảo sát ở xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), tại ngách 20/10 đường Vành đai Sơn Đồng tồn tại một nhà xưởng rộng khoảng 80m2 chất đầy gỗ, ngoài vỉa hè và lòng đường cũng được trưng dụng để gỗ. Trong khi đó, hệ thống dây điện, dây cáp chằng chịt, buông thõng, dây nọ chằng buộc vào dây kia ngay trước cửa xưởng gỗ nên nguy cơ chập cháy, hỏa hoạn rất lớn nếu sự cố xảy ra. Tương tự, tuyến phố La Thành (quận Ba Đình) cũng có nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ ngay tại khu dân cư. Tại số 971 đường La Thành có một nhà xưởng lắp đặt máy móc để cưa đục, cắt gỗ, lắp ống hút cỡ lớn hàn gác lên mái để hút mùi. Việc sản xuất này vừa tạo tiếng ồn vừa đẩy bụi bẩn ra môi trường.
Siết chặt quản lý
Thực tế tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố cho thấy, mô hình nhà ở kết hợp sản xuất khá phổ biến. Hầu hết các cơ sở hoạt động tự phát, manh mún, không có kế hoạch bảo vệ môi trường, chất thải thường đổ trực tiếp ra đường thoát nước, việc thu gom rác thải cũng không được quản lý chặt chẽ. Các cơ sở nhỏ lẻ trong khu dân cư đa phần là sản xuất cơ khí, gò hàn xì, cưa đục nên thường phát ra tiếng ồn. Tuy nhiên, việc xử lý đối với các cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Viết Hùng, địa bàn phường có nhiều cơ sở sản xuất xen kẽ trong dân cư. Hằng năm, phường đều lập tổ công tác kiểm tra định kỳ, hầu hết các cơ sở đều thiếu điều kiện về bảo đảm môi trường và phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về phương án di dời những cơ sở này ra khỏi khu dân cư nên rất khó để xử lý triệt để.
Cùng chung khó khăn, vướng mắc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Long Biên Trịnh Quốc Huy cho biết, khó xử phạt nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen kẽ trong dân cư. Trong đó có nhiều cơ sở giặt là, may mặc, mộc, gia công cơ khí... thường hoạt động vào ban đêm, nằm ở ven sông, các quy định của pháp luật lại chưa đầy đủ nên số lượng vi phạm bị xử lý còn thấp. Trong năm 2024, UBND quận đã xử phạt 13 trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Kế hoạch trong năm 2025, UBND quận tiếp tục kiểm tra nhiều cơ sở, trong đó có 201 cơ sở quy mô hộ gia đình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phấn đấu giảm 70/201 cơ sở gò hàn, sang chiết gas, hóa chất dễ cháy nổ, thu gom phế liệu trong khu dân cư.
Ông Trịnh Quốc Huy thông tin thêm, năm 2025, quận Long Biên kiên quyết đình chỉ, chuyển cơ quan điều tra hoặc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không phù hợp quy hoạch, tái phạm nhiều lần với mục tiêu giảm 35-40% cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Những tác hại về môi trường và sức khỏe đối với người dân sống bên cạnh các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát là rõ ràng. Trong khi phương án di dời những cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư chưa được thực hiện một cách triệt để, các địa phương cần đặt mục tiêu giảm thiểu số cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm trong kế hoạch hằng năm bằng những việc làm cụ thể. Tuy nhiên, trước mắt, cần có giải pháp xử lý nghiêm với các cơ sở tái diễn vi phạm nhiều lần để tạo sức răn đe, bảo đảm sức khỏe và môi trường cho người dân địa phương.
Nhóm phóng viên