Kiểm toán 9 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước: Quản lý dòng tiền chưa hiệu quả, đầu tư tài chính thua lỗ

Kiểm toán 9 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước: Quản lý dòng tiền chưa hiệu quả, đầu tư tài chính thua lỗ
14 giờ trướcBài gốc
Còn sai sót trong hạch toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước
Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kiểm toán các doanh nghiệp năm 2024 về niên độ 2023 thì 9/9 tập đoàn, tổng công ty, công ty được kiểm toán có kết quả sản xuất kinh doanh có lãi. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 của TKV là 6.473,70 tỷ đồng; Petrolimex 3.109,85 tỷ đồng; Vinataba 1.526,84 tỷ đồng; Sonadezi 1.399,75 tỷ đồng; Vinapharm 413,72 tỷ đồng; HUD 211,72 tỷ đồng; VMSS 100,75 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số doanh nghiệp đạt trên 10%, thậm chí có doanh nghiệp đạt trên 20%, tiêu biểu như Vinataba 21,31%; Sonadezi 13,8%; TKV 13,41%; Vinapharm 13,12%; HUD 11%; Petrolimex 10,61%...
Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả tích cực, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế.
Trong đó, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong công tác hạch toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN, qua kiểm toán điều chỉnh Tổng tài sản/Tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp tăng 396,59 tỷ đồng, giảm 22,28 tỷ đồng; điều chỉnh tổng doanh thu, thu nhập tăng 135,34 tỷ đồng, giảm 2,36 tỷ đồng; điều chỉnh tổng chi phí giảm 263,73 tỷ đồng.
Một số đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tiền; chưa xây dựng kế hoạch sử dụng dòng tiền, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả do chưa có quy định cụ thể để kiểm soát việc giao cán bộ thu tiền mặt của khách hàng, để số dư tiền mặt vượt định mức.
Còn tình trạng doanh nghiệp quản lý nợ chưa chặt chẽ, phát sinh nợ phải thu quá hạn lên tới hàng trăm tỷ đồng, thậm chí có đơn vị lên tới hàng ngàn tỷ đồng; nợ khó đòi lớn, có đơn vị tỷ lệ nợ khó đòi chiếm tới 1/4 tổng số nợ phải thu; tỷ lệ đối chiếu thấp; tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa thu hồi; bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của nhiều đơn vị còn cao; chưa thực hiện chi trả đầy đủ cổ tức; chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ nhưng chưa được phê duyệt phương án tăng vốn.
Qua kiểm toán phát hiện có 01 tập đoàn có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt tại 31/12/2023 là 5.538 tỷ đồng và 01 tổng công ty có vốn chủ sở hữu tại 31/12/2023 cao hơn vốn điều lệ dự kiến đến năm 2025 là 727,95 tỷ đồng, tuy nhiên 02 doanh nghiệp này đều đã trình cơ quan có thẩm quyền; có 02 đơn vị bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt.
Đa phần các doanh nghiệp Nhà nước được kiểm toán đều làm ăn có lãi
Nhiều khoản đầu tư tài chính thua lỗ
Kết quả kiểm toán cũng phát hiện một số đơn vị đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, trong đó, 01 tập đoàn có 04 khoản đầu tư vào công ty con có lỗ lũy kế tại 31/12/2023 là 412,95 tỷ đồng (vốn góp của Công ty mẹ là 1.759,57 tỷ đồng).
Công ty CP Dược phẩm Trung ương 2 và Công ty CP Dược Davina thuộc Công ty mẹ - Vinapharm lỗ lũy kế tại 31/12/2023 lần lượt là 122,06 tỷ đồng và 18,39 tỷ đồng; Công ty CP Sài Gòn - Rạch Giá, Công ty CP Khách sạn và du lịch Bảo Việt thuộc Công ty mẹ - HUD lỗ lũy kế lần lượt là 124,48 tỷ đồng, 73,02 tỷ đồng; Công ty CP Cấp nước Đồng Nai thuộc Sonadezi đầu tư góp vốn vào Công ty CP Cấp nước Gia Tân 50 tỷ đồng (chiếm 10,47% vốn điều lệ), phải trích lập dự phòng 16,47 tỷ đồng...
Một tổng công ty khoáng sản có 01 khoản đầu tư không bảo toàn vốn và 03 khoản đầu tư vào công ty con chưa chia cổ tức do lợi nhuận sau phân phối không đủ chia cổ tức hoặc có lãi nhưng còn lỗ lũy kế... Một số khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ; có đơn vị trích lập dự phòng đầu tư tài chính không đúng quy định hàng tỷ đồng.
Một số đơn vị quản lý chi phí, giá thành sản phẩm chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế, đáng chú ý nhất là 01 đơn vị xây dựng định mức hao hụt cho tất cả các nguyên vật liệu sản xuất đồng đều là 8%; 01 đơn vị đã ban hành các chỉ tiêu định mức kinh tế, kỹ thuật chỉ với 01 cấp trung đại tu các thiết bị, không có sự khác nhau giữa các lần trung đại tu tài sản mới và tài sản cũ; chưa xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu hoặc tiêu hao nguyên, nhiên liệu vượt định mức đơn vị quy định; khuyến mại không đúng quy định.
Về quản lý sử dụng đất, còn một số diện tích đất chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa/chậm sử dụng, sử dụng chưa đúng mục đích. Đơn cử như tại Sonadezi, Công ty mẹ có 14,35 ha; Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 là 6,5 ha; Công ty CP Sonadezi Long Bình thuê 2,1 ha đất nhưng chưa sử dụng; cho thuê lại đất khu công nghiệp nhưng các công ty thuê vẫn chưa đưa vào sử dụng...
Chưa phát huy tốt quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu
Theo Kiểm toán Nhà nước, những bất cập trên càng thấy rõ hơn qua kết quả kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định Nghị định số 10/2019/NĐ-CP giai đoạn 2022-2023 tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Theo đó, tại UBQLVNN, đến tháng 8/2024, còn 03/19 Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, 02/19 Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2021-2025 và 04/19 Chiến lược phát triển của các doanh nghiệp chưa được phê duyệt, 10/12 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chưa được đánh giá, xếp loại năm 2023 và 01 doanh nghiệp chưa được đánh giá, xếp loại năm 2022; chưa hoàn thành phê duyệt quyết toán cổ phần hóa theo quy định…
Một số khoản trực tiếp đầu tư không hiệu quả với 03/14 doanh nghiệp lỗ lũy kế tại 31/12/2023 là 32.581,9 tỷ đồng; 02/14 doanh nghiệp không chia cổ tức, lợi nhuận trong giai đoạn 2019-2023.
Còn tại SCIC, đơn vị này đã thoái vốn tại 37/77 doanh nghiệp với tổng giá vốn là 2.801/12.821 tỷ đồng, bằng 21,8% kế hoạch 5 năm trong giai đoạn 2021-2023; đã bán hết vốn tại 50 doanh nghiệp nhưng chưa thu hồi hết cổ tức, lợi nhuận được chia 23,8 tỷ đồng;
Quá trình bán vốn còn trường hợp xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính giá trị vốn nhà nước không đúng quy định hoặc đơn vị tư vấn xác định chưa đầy đủ giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
SCIC chưa hoàn thành cổ phần hóa tại một số đơn vị; chưa hoàn thành tiếp nhận đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 05 doanh nghiệp từ 02 Bộ; chưa xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tại một số doanh nghiệp tiếp nhận.
Đến 31/12/2023, chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm giai đoạn 2021-2025 của 04/04 doanh nghiệp do SCIC nắm giữ 100% vốn điều lệ; việc xây dựng phương án tăng vốn điều lệ trình cấp có thẩm quyền chưa đầy đủ, rõ ràng; người đại diện vốn lập và gửi Báo cáo giám sát tài chính chậm…
Nhật Linh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/kiem-toan-9-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc-quan-ly-dong-tien-chua-hieu-qua-dau-tu-tai-chinh-thua-lo-post617750.antd