Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV tổ chức đào tạo về Luật Đầu tư công

Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV tổ chức đào tạo về Luật Đầu tư công
15 giờ trướcBài gốc
Lãnh đạo KTNN chuyên ngành IV cùng đông đảo công chức, viên chức của đơn vị tham dự buổi đào tạo. Ảnh: D.T
Tham dự buổi đào tạo có ông Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV, các Phó Kiểm toán trưởng và toàn thể công chức, viên chức của đơn vị.
Giảng viên khách mời là ông Ngô Văn Giang - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phát biểu tại buổi đào tạo, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Vũ Duy Bắc cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Do đó, buổi đào tạo được tổ chức nhằm giúp các kiểm toán viên có thể nắm bắt đầy đủ và hiểu rõ hơn những quy định mới của Luật Đầu tư công năm 2024, từ đó vận dụng đúng vào quá trình thực hiện hoạt động kiểm toán các chương trình, dự án đầu tư công - lĩnh vực kiểm toán chủ yếu của đơn vị.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Vũ Duy Bắc phát biểu. Ảnh: D.T
Thông tin tại buổi đào tạo, ông Ngô Văn Giang đã chia sẻ các vấn đề về quản lý đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2024 và văn bản hướng dẫn thi hành.
Ông Giang cho biết, Luật Đầu tư công năm 2024 được kết cấu thành 7 chương với 103 điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Luật có một số chính sách mới như: cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các dự án nhóm A, B, C; quy định nâng tổng mức đầu tư theo tiêu chí phân loại các dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, B, C; phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách Trung ương từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Một số chính sách mới nữa của Luật là: phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu Bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; cho phép doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung đối tượng sử dụng vốn đầu tư công để bồi thường, chấm dứt hợp đồng trước hạn dự án theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) được cấp có thẩm quyền quyết định, chi trả phần giảm doanh thu các dự án PPP thuộc trách nhiệm của Nhà nước, thanh toán theo hợp đồng dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT) bằng tiền. Ngoài ra, Luật cũng cho phép sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác để chi khi thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án…
Ông Ngô Văn Giang - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi tại buổi đào tạo. Ảnh: D.T
Về đối tượng đầu tư công, Luật quy định bao gồm: đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội; đầu tư thực hiện nhiệm vụ quy hoạch.
Ngoài ra còn có hoạt động cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khác theo quyết định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ; bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Về phân loại dự án đầu tư công, Luật quy định có 2 căn cứ để phân loại dự án đầu tư công, đó là: căn cứ theo tính chất dự án (dự án có cấu phần xây dựng và dự án không có cấu phần xây dựng) và căn cứ theo mức độ quan trọng và quy mô dự án (dự án quan trọng quốc gia; dự án nhóm A, B, C).
Luật Đầu tư công năm 2024 cũng quy định cụ thể việc công khai, minh bạch trong đầu tư công trong nhiều khía cạnh như: chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Việc công khai, minh bạch cũng bao gồm: kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; danh mục dự án trên địa bàn, báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án tới địa bàn đầu tư; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm; tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án; tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án; kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án…
Quang cảnh buổi đào tạo. Ảnh: D.T
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công, Luật quy định bao gồm các hành vi: quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định; quyết định đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chương trình, dự án không đúng thẩm quyền, không đúng với các nội dung về mục tiêu, địa điểm, vượt mức vốn đầu tư công, vượt mức vốn đầu tư công của ngân sách cấp trên, vượt tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định nghiêm cấm các hành vi: lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng. Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật…
Tại buổi đào tạo, giảng viên đã trao đổi và trả lời cụ thể các câu hỏi liên quan đến những quy định mới của Luật Đầu tư công năm 2024; những vấn đề mà các kiểm toán viên cần lưu ý khi thực hiện kiểm toán các chương trình, dự án đầu tư công trong thời gian tới…/.
DIỆU THIỆN
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-nha-nuoc-chuyen-nganh-iv-to-chuc-dao-tao-ve-luat-dau-tu-cong-37713.html