Kiểm toán nhà nước đề xuất sắp xếp quỹ tài chính ngoài ngân sách

Kiểm toán nhà nước đề xuất sắp xếp quỹ tài chính ngoài ngân sách
7 giờ trướcBài gốc
Cơ bản tuân thủ quy định về tài chính
Khoản 19 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định: “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật”.
Theo Báo cáo số 609/BC-CP của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024 và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý, hiện tại, có 22 Quỹ do các bộ, cơ quan Trung ương quản lý.
Ước tính đến cuối năm 2024, số dư nguồn các quỹ khoảng 1.476,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,97% so với năm 2023. Có 04 quỹ có số dư dưới 100 tỷ; 8 quỹ có số dư từ 100 tỷ đến 1.000 tỷ; 8 quỹ có số dư trên 1.000 tỷ. Về cơ bản, các quỹ này đã sử dụng tài chính theo các quy định của Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ được giao...
Theo Báo cáo kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020 - 2023, Kiểm toán nhà nước đánh giá, việc thực hiện nhiệm vụ của các quỹ tài chính ngoài ngân sách Trung ương đã góp phần nâng cao hiệu quả trong các công tác được giao như: Quản lý các khoản bảo hiểm, tích lũy trả nợ công, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án bảo vệ môi trường, dự án khoa học công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tài trợ, hỗ trợ các hoạt động, dự án về viễn thông, phòng chống tác hại của thuốc lá, hỗ trợ việc làm ngoài nước, hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ đối với người có công với cách mạng hoặc thân nhân gặp khó khăn, bù đắp những mất mát, hy sinh, gian khổ trong công tác phòng, chống tội phạm và là nguồn động viên, khích lệ cho tập thể, cá nhân tiếp tục đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm và ma túy, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Kiểm toán nhà nước đề xuất sắp xếp quỹ tài chính ngoài ngân sách. Ảnh: N. Lộc
Mô hình tổ chức chưa thống nhất, nhiệm vụ chi trùng lặp
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020 - 2023 cho thấy hoạt động của các quỹ này còn nhiều bất cập, hạn chế.
Hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của các quỹ được thiết kế theo 3 nhóm: Quy định tại luật và nghị định, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo quyết định của cơ quan Trung ương. Trên thực tế, các quỹ được tổ chức theo 4 phương thức chính: Mô hình chuyên biệt, mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và các mô hình chưa được quy định cụ thể.
Hơn nữa, bộ máy quản lý giữa các quỹ cũng thiếu đồng bộ. Một số quỹ do cán bộ kiêm nhiệm của các bộ, ngành quản lý nên không phát sinh chi phí; trong khi không ít quỹ khác xây dựng tổ chức riêng, gồm: hội đồng quản lý, ban kiểm soát và ban quản lý quỹ, dẫn đến tăng biên chế và chi phí... Bên cạnh đó, mặc dù phần lớn các quỹ hoạt động theo mô hình và cơ chế quản lý tương đồng, song lại áp dụng các cơ chế lương thưởng khác nhau, thậm chí chưa tuân thủ đúng quy định hiện hành.
Một trong những bất cập lớn của hệ thống quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện nay là sự trùng lặp về nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội. Thậm chí, một số quỹ còn trực tiếp cung cấp dịch vụ tài chính trùng lặp với Ngân hàng Chính sách xã hội. Một số quỹ còn quy định nội dung chi không xác định...
Ngoài ra, dù được thành lập với mục tiêu huy động nguồn lực từ xã hội, từ tổ chức nước ngoài hay khu vực tư nhân nhưng nguồn lực tài chính của một số quỹ cơ bản được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước. Có quỹ được ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ ban đầu, có quỹ được hỗ trợ kinh phí thường xuyên, thậm chí một số vẫn tiếp tục được bổ sung vốn trong quá trình hoạt động - điều không còn phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Một số quỹ chưa tạo được nguồn thu từ chính hoạt động thực hiện nhiệm vụ và các nguồn khác. Đáng lưu ý, nhiều quỹ có nguồn thu chủ yếu tư “lãi gửi ngân hàng”…
Một số quỹ tài chính ngoài ngân sách còn trực tiếp cung cấp dịch vụ tài chính trùng lặp với Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Duy Minh
Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý quỹ
Từ những đánh giá về các quỹ tài chính ngoài ngân sách Trung ương được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đưa ra một số khuyến nghị: Nghiên cứu cơ chế quản lý đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý tổ chức theo hướng phân biệt giữa các quỹ công hoạt động theo điều lệ quỹ và các luật chuyên ngành.
Về mô hình tổ chức, nghiên cứu sắp xếp các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước. Sắp xếp mô hình quản lý các quỹ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tại một số quỹ có thể không nhất thiết tổ chức bộ máy riêng mà chỉ cần bộ, ngành xác định tiêu chuẩn, tiêu chí được hưởng ưu đãi từ quỹ và ủy thác các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách cho doanh nghiệp vay và hưởng ưu đãi theo sứ mệnh của quỹ.
Về chế độ tiền lương, nghiên cứu rà soát các quy định về chi lương đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách Trung ương để đảm bảo tính đồng bộ, công bằng so với các cơ quan khác thuộc bộ máy nhà nước và tương xứng với việc thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện đánh giá hoạt động của các quỹ, tránh trường hợp quỹ chủ yếu dùng nguồn vốn để gửi ngân hàng nhưng vẫn được nhận thu nhập cao theo mức thu nhập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Đối với thực hiện nhiệm vụ của các quỹ, nghiên cứu, rà soát sứ mệnh và mục tiêu hoạt động của các quỹ. Trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp và cơ chế phù hợp nhằm đảm bảo các quỹ hoạt động đúng chức năng, thực hiện đầy đủ sứ mệnh cũng như mục tiêu đã được xác định khi thành lập. Đồng thời, cần rà soát lại các nhiệm vụ của các quỹ để tránh trường hợp trùng lặp với các nhiệm vụ của ngân sách nhà nước.
Kiểm toán nhà nước khuyến nghị Bộ Tài chính xem xét phối hợp với các các bộ chủ quản để rà soát chi tiết về tình hình sử dụng các nguồn vốn tại tất cả các quỹ, qua đó xác định đây là một trong các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ.
Ngân Thương
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/kiem-toan-nha-nuoc-de-xuat-sap-xep-quy-tai-chinh-ngoai-ngan-sach-387940.html