Kiểm tra định kỳ theo hướng mới cần lưu ý điều gì?

Kiểm tra định kỳ theo hướng mới cần lưu ý điều gì?
14 giờ trướcBài gốc
Giờ học tại Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa). Ảnh: NTCC
Trong văn bản này, Bộ GD&ĐT đưa minh họa ma trận và bản đặc tả đề kiểm tra định kỳ với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, bắt đầu triển khai từ học kỳ II, năm học 2024 - 2025.
Những điểm mới
Chia sẻ về điểm mới trong minh họa ma trận và bản đặc tả đề kiểm tra định kỳ của Bộ GD&ĐT, ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Tỷ lệ đánh giá theo các mức độ nhận thức (nhận biết - thông hiểu - vận dụng) là 4-3-3. Trước đây, mức độ này được phân bậc theo nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao với tỷ lệ 4-3-2-1. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đưa thêm dạng câu hỏi đúng/sai và trả lời ngắn vào bảng ma trận. Đây cũng là dạng câu hỏi mới trong đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
“Về cơ bản, cấu trúc ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra định kỳ lần này có sự thay đổi, nhưng không nhiều. Sở GD&ĐT An Giang đã tổ chức tập huấn cho giáo viên THPT theo cấu trúc này trong tháng 12/2024. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường tổ chức tập huấn lại cho tất cả giáo viên về xây dựng ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra định kỳ; áp dụng xây dựng ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra định kỳ trong thực hiện kiểm tra, đánh giá bắt đầu từ học kỳ II, năm học 2024 - 2025. Lưu ý, thực hiện cho các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, giáo viên phải xây dựng ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra và hướng dẫn chấm bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật”, ông Trần Tuấn Khanh cho hay.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, từ học kỳ II năm học 2024 - 2025, ma trận mới đề kiểm tra định kỳ của các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số sẽ gồm 2 phần: Trắc nghiệm khách quan (chiếm 7 trên thang 10 điểm) và tự luận (chiếm 3 trên thang 10 điểm).
Theo thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa), với điểm mới có thêm phần tự luận, đề sẽ không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá năng lực tổng hợp, phân tích và sáng tạo của học sinh. Tại Trường THPT Lam Kinh, Ban giám hiệu đã triển khai đầy đủ đến tất cả cán bộ, giáo viên chỉ đạo của Bộ GD&ĐT để áp dụng từ học kỳ II năm học này.
Trường đồng thời cử giáo viên cốt cán các bộ môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số tham gia lớp tập huấn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa về nội dung này; sau đó các cốt cán sẽ về triển khai lại tại tổ, nhóm bộ môn ở trường.
Ảnh minh họa ITN.
Tập trung xây dựng ngân hàng đề chất lượng
Theo thầy Hoàng Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế), công văn 7991/2024 của Bộ GD&ĐT chỉ đạo về việc kiểm tra đánh giá đối với cấp THCS, THPT là cơ sở pháp lý để các trường căn cứ xây dựng ma trận, đề kiểm tra định kỳ.
“Trước khi có văn bản trên, trong công tác kiểm tra, đánh giá, nhà trường chưa quy định cụ thể tỷ lệ các dạng thức câu hỏi. Từ học kỳ II năm học 2024 - 2025, trường sẽ chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng ma trận đề kiểm tra, bản đặc tả đề kiểm tra định kỳ đảm bảo về mức độ đánh giá và các dạng câu hỏi: Nhiều lựa chọn, đúng/sai, trả lời ngắn; cũng như tỷ lệ phần trăm số câu hỏi, tổng số điểm tương ứng với từng chủ đề, từng mức độ.
Riêng với bộ môn Ngoại ngữ, trong cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng dẫn tại Công văn số 764/QĐ-BGDĐT ngày 8/3/2024 của Bộ GD&ĐT, trường sẽ nghiên cứu để chỉ đạo việc xây dựng câu hỏi kiểm tra nghiêng về dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn (4 phương án, chọn 1 đáp án đúng), qua đó giúp học sinh hình thành kỹ năng, làm quen dần với đề thi tốt nghiệp THPT hằng năm.
Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng được các câu hỏi, đề kiểm tra định kỳ có chất lượng, thầy Hoàng Minh cho biết, ngay trong học kỳ II năm học 2023 - 2024, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng ma trận, đề theo các mức độ đánh giá, dạng câu hỏi nhiều lựa chọn, đúng/sai, trả lời ngắn).
Học kỳ I năm học 2024 - 2025, trường chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá đảm bảo về nội dung các chủ đề học tập; xây dựng ma trận đề kiểm tra, bảng đặc tả câu hỏi kiểm tra đầy đủ các nội dung, mức độ đánh giá của tất cả chủ đề được học. Các tổ chuyên môn tổ chức thẩm định ma trận, bảng đặc tả câu hỏi trước khi tiến hành tổ chức kiểm tra định kỳ.
“Nhà trường tiến hành theo trình tự: Tổ thảo luận thống nhất về ma trận, bảng đặc tả câu hỏi kiểm tra; giáo viên tự xây dựng các câu hỏi kiểm tra theo các mức độ ở mỗi dạng thức. Tiếp theo, toàn tổ tiếp tục thảo luận, phản biện đề kiểm tra của giáo viên đã xây dựng. Sau khi hoàn thiện việc thẩm định đề, các tổ gửi lãnh đạo trường để lưu trữ làm ngân hàng đề kiểm tra”, thầy Hoàng Minh chia sẻ.
Để xây dựng đề kiểm tra định kỳ, ngân hàng đề kiểm tra có chất lượng, thầy Nguyễn Minh Đạo chia sẻ, nhà trường triển khai nội dung này đến tất cả tổ nhóm, chuyên môn và nhấn mạnh việc đề kiểm tra phải đáp ứng đủ các yêu cầu hình thức, nội dung, quy trình và mục tiêu đánh giá theo cấu trúc, ma trận mới của Bộ GD&ĐT.
Các cán bộ, giảng viên được yêu cầu nêu cao tinh thần tự giác, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy và xây dựng đề kiểm tra. Giáo viên cần đầu tư nghiên cứu trong xây dựng đề kiểm tra mở gắn với đáp án mở; đồng thời thông qua chấm bài để thu nhận, điều chỉnh đề theo hướng phù hợp, từ đó tạo ngân hàng đề kiểm tra chất lượng tốt nhất.
“Một giải pháp khác được nhà trường triển khai là tăng cường sinh hoạt chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy, xây dựng đề kiểm tra. Tăng cường phát huy vai trò của tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn trong công tác kiểm duyệt chất lượng câu hỏi kiểm tra, đề kiểm tra. Thực hiện đúng việc bổ sung câu hỏi kiểm tra vào ngân hàng đề theo quy định, để đề luôn được cập nhật”, thầy Nguyễn Minh Đạo thông tin thêm.
Tại Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị), thông tin từ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng, nhà trường yêu cầu tất cả giáo viên nghiên cứu và xây dựng đề kiểm tra mẫu, áp dụng ngay từ học kỳ II. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn về việc áp dụng ma trận theo Công văn 7991/2024 trong từng bộ môn; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ giáo viên gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Giáo viên được lưu ý, khi xây dựng đề kiểm tra cần bám sát nội dung cần đạt theo Chương trình GDPT 2018 cũng như chỉ đạo của hội đồng bộ môn từng môn học…
Nhận định về đề kiểm tra theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) nhấn mạnh việc giúp đánh giá toàn diện năng lực học sinh theo các cấp độ, từ nhận biết đến vận dụng, bám sát định hướng Chương trình GDPT 2018. Đề cũng đảm bảo tính cân đối giữa các mạch nội dung (chủ đề) và mức độ nhận thức; gồm cả trắc nghiệm và tự luận, trong đó trắc nghiệm được thiết kế đa dạng hơn (nhiều lựa chọn, điền từ, ghép nối…
Hiếu Nguyễn
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/kiem-tra-dinh-ky-theo-huong-moi-can-luu-y-dieu-gi-post713313.html