Kiểm tra nồng độ cồn, nhiều tài xế xe máy lý do 'đi gần, uống ít'

Kiểm tra nồng độ cồn, nhiều tài xế xe máy lý do 'đi gần, uống ít'
5 giờ trướcBài gốc
Đây là một trong những tuyến đường tập trung đông nhà hàng, quán ăn nên lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát nồng độ cồn, ngăn ngừa từ sớm nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do các đối tượng “ma men” gây ra.
CSGT cắm chốt kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực nút giao Hoàng Đạo Thúy – Nguyễn Thị Thập.
Trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, tổ công tác CSGT đều sử dụng thiết bị nghiệp vụ để ghi hình.
Vị trí kiểm soát nồng độ cồn được tổ công tác thực hiện theo đúng quy định với cọc tiêu, dây phản quang và ngăn một làn nhỏ để thực hiện nhiệm vụ. Đối với thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, ngoài máy đo chỉ số còn có phễu thổi và ống thổi (loại dùng một lần) đều được được sử dụng mới cho mỗi ca trực để đảm bảo tính chính xác cũng như sức khỏe của người được kiểm tra.
Ghi nhận thực tế cùng tổ công tác của Đội CSGT số 7 từ 19h đến hơn 21h, trong suốt khoảng 3 giờ đồng hồ làm nhiệm vụ, Cảnh sát kiểm tra hơn 100 tài xế ô tô và xe máy nhưng chỉ phát hiện 1 trường hợp vi phạm.
Trường hợp vi phạm trên là của nam tài xế tên Phùng Quốc T. (SN 1973; trú tại quận Đống Đa, Hà Nội).
Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn tài xế Phùng Quốc T.
Máy đo phát hiện mức vi phạm là 0,413 mg/L khí thở.
Sau khi kiểm tra định tính phát hiện có cồn, tổ công tác đã yêu cầu tài xế T. thực hiện kiểm tra định lượng và cho kết quả mức vi phạm là 0,413 mg/L khí thở, đây là mức vi phạm cao nhất theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Theo tài xế T. cho biết, bản thân cũng nắm được quy định cấm điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia nhưng một phần vì sự chủ quan đi gần nên sau khi uống 2 cốc bia ở nhà vẫn chạy xe máy ra đường không ngờ sự chủ quan đó dẫn tới việc bị CSGT phát hiện, xử phạt. Sau khi được lực lượng chức năng nhắc nhở về sự nguy hiểm đối với hành vi vi phạm này, người đàn ông nhận thức được lỗi của mình và ký vào biên bản xử phạt.
Cảnh sát làm việc, lập biên bản tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Quá trình làm việc với người vi phạm, lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không lái xe sau khi sử dụng rượu, bia. CSGT Hà Nội khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng hoặc xe công nghệ, đồng thời nhấn mạnh việc chấp hành các quy định về nồng độ cồn không chỉ bảo đảm an toàn cho chính bản thân mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh.
Theo tổ công tác CSGT, với mức vi phạm nồng độ cồn kịch khung của tài xế trên sẽ bị lập biên bản xử phạt tiền từ 8 đến 10 triệu đồng, tước GPLX từ 22 đến 24 tháng và tạm giữ phương tiện. Ngoài ra, tổ công tác cũng sẽ xử phạt thêm nếu phát hiện tài xế vi phạm các lỗi khác.
Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Vương Đăng Cường, Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết, vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Mức xử phạt tăng nặng thời gian qua giúp ý thức của người dân được nâng cao tuy nhiên không vì thế mà lực lượng CSGT lơ là công tác tuần tra kiểm soát, xử lý đối với hành vi vi phạm này.
Cảnh sát kiểm tra nhiều tài xế ô tô nhưng không phát hiện vi phạm.
Hiện nay, qua công tác tuần tra kiểm soát đối với hành vi trên, lực lượng CSGT nhận thấy vẫn còn một bộ phận người dân, chủ yếu là người đi xe máy có tình trạng “nhờn luật”, cố tình vi phạm dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên đường cũng như các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra do người điều khiển phương tiện không thể làm chủ bản thân.
Để duy trì hiệu quả đã đạt được, ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn, đơn vị đang triển khai đồng bộ các biện pháp, tăng cường kiểm soát, xử lý tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là khu vực tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu nhằm tạo sự răn đe, phòng ngừa vi phạm. Các tổ công tác được bố trí làm nhiệm vụ trong các khung giờ, tập trung vào thời điểm dễ phát sinh vi phạm.
Việc kiểm tra được thực hiện nghiêm ngặt, không có vùng cấm, nhằm hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra.
Cảnh sát kiểm tra tài xế xe máy.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn: Chưa vượt quá 0,25 mg/L khí thở bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng và trừ 4 điểm GPLX; vượt quá 0,25 đến 0,4 mg/L khí thở bị phạt 6 - 8 triệu đồng và trừ 10 điểm GPLX; vượt quá 0,4 mg/L khí thở bị phạt 8 - 10 triệu và Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Trong khi đó, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 mg/L khí thở bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng và Trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/l khí thở bị phạt tiền từ 18 triệu đồng đến 20 triệu đồng và Trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Vượt quá 0,4 mg/l khí thở bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng và Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Mỗi người dân cần tự giác chấp hành luật giao thông, bởi chỉ một lần chủ quan sau chén rượu, ly bia có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Luôn ghi nhớ: “Đã uống rượu bia, tuyệt đối không lái xe”, để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.
Trường Thắng
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/giao-thong/kiem-tra-nong-do-con-nhieu-tai-xe-xe-may-ly-do-di-gan-uong-it-i767917/