Chiều 19/11, Đoàn kiểm tra của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam do đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về kiểm tra việc thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh năm 2024.
Đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Đoàn kiểm tra phát biểu tại hội nghị.
Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra, có các đồng chí: Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Đại tá Đoàn Hoài Nam, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các đơn vị LLVT tỉnh.
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy đã báo cáo kết quả thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và LLVT tỉnh (từ tháng 02/2022 đến tháng 7/2024). Theo đó, chương trình phối hợp đã góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các đơn vị LLVT tăng cường công tác dân vận, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; xây dựng nông thôn mới (NTM), khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an ninh tôn giáo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển. Đến nay, toàn tỉnh có 97,5% xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, 28,1% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Giao Thủy được công nhận huyện NTM nâng cao năm 2023. Tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 là 3,85%; thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2023 đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng (đứng thứ 8 của cả nước). Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, các chính sách an sinh xã hội, chính sách hậu phương quân đội, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được đẩy mạnh, có sức lan tỏa trong nhân dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, phát huy truyền thống tốt đẹp “Vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ” của cán bộ, chiến sĩ LLVT. Đến nay, toàn tỉnh có 1.202 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với 750 mô hình tập thể, 452 điển hình cá nhân, trong đó lĩnh vực quốc phòng an ninh có 100 mô hình. Tiêu biểu như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có 39 mô hình, điển hình; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có 8 mô hình, điển hình; Công an tỉnh có 53 mô hình, điển hình... Qua đó đã khơi dậy truyền thống yêu nước; phát huy tinh thần, trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân trong bảo đảm quốc phòng, quân sự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội; tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa các LLVT với nhân dân.
Quang cảnh hội nghị.
Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã tập trung thảo luận, trao đổi thêm các nội dung cần làm rõ và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chương trình phối hợp công tác dân vận của LLVT tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng đánh giá cao những kết quả tỉnh Nam Định đạt được trong công tác phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và LLVT tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời, mong muốn tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm địa phương đã tự đánh giá và Đoàn kiểm tra Trung ương đã chỉ ra. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương về quy chế công tác dân vận trong tình hình mới, nhất là những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Phối hợp chặt chẽ trong công tác nắm tình hình nhân dân, các vấn đề dân tộc, tôn giáo; thường xuyên trao đổi thông tin giữa các ngành để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình phối hợp công tác dân vận ở địa phương, cơ sở phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị và yêu cầu nhiệm vụ của LLVT trong tình hình mới. Đối với các đơn vị LLVT chú trọng hơn nữa xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, đơn vị lành mạnh, thực hiện tốt đạo đức công vụ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, đoàn kết nội bộ.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh trân trọng cảm ơn Đoàn kiểm tra đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận của LLVT năm 2024 của tỉnh. Đồng chí đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với LLVT tiếp thu, sớm khắc phục, đồng thời nghiên cứu các nghị quyết đại hội để triển khai cụ thể hóa công tác dân vận trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của từng đơn vị, địa phương; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận phù hợp với tình hình mới; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Trước đó, Đoàn đã đi kiểm tra khảo sát kết quả thực hiện mô hình dân vận khéo “camera an ninh” tại Công an thị trấn Xuân Trường và kết quả thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Huyện ủy Xuân Trường với LLVT huyện giai đoạn 2022-2026.
Tin, ảnh: Văn Huỳnh