Kiểm tra việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Kiểm tra việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
5 giờ trướcBài gốc
Hình ảnh san lấp đất trái phép tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: N.M.
Nâng mức phạt gấp 2 lần
Tại Kỳ họp thứ 22, HĐND TP khóa XVI, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô).
Theo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định tại Nghị quyết này. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này.
Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này bằng hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP trên địa bàn TP Hà Nội, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này là mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân (trừ các hành vi vi phạm của tổ chức quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều 18, khoản 1 Điều 19, điểm b khoản 1 và khoản 4 Điều 20, Điều 22, khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP). Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị quyết quy định 71 hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt (từ Điều 8 đến Điều 29) của Nghị định số 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP trên địa bàn TP Hà Nội, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai xảy ra tại nhiều địa phương
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, cùng với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa xuất hiện tình trạng vi phạm pháp luật đất đai xảy ra tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trong đó, sự tác động và ảnh hưởng của thị thường bất động sản phát triển nóng tại nhiều địa phương là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm phát sinh, đặc biệt là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, như: chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép, thực hiện các hành vi hủy hoại đất nông nghiệp…
Cùng với đó, tình trạng các tổ chức được Nhà nước giao, cho thuê nhưng sử dụng không đúng mục đích, không làm thủ tục đăng ký đất đai hoặc cho thuê mặt bằng, nhà xưởng trên đất khi chưa đủ điều kiện theo quy định… còn xảy ra tại các địa phương, làm ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai của các cấp chính quyền. Vì vậy, việc ban hành mức phạt tăng cũng là điều cần thiết nhằm tăng cường quản lý đất đai.
Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP Hoàng Thị Thúy Hằng cho biết, dự kiến, TP hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6 để đến ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp xã được vận hành theo tổ chức mới. Từ nay, đến thời điểm đó là khoảng thời gian chuyển tiếp quan trọng, dễ xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý, là thời cơ cho các tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất.
Qua nắm bắt tình hình thực tế, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra tình trạng đổ đất lấn chiếm xây tường bao trên khu đất nằm trong quy hoạch dự án Đại học Quốc gia Hà Nội (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất); vi phạm đất công làm sân pickleball (phường Phúc Lợi, quận Long Biên); tình trạng vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm)… Đây là một vài ví dụ điển hình trong vi phạm đất đai được các quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời; song rất cần siết chặt hơn nữa về công tác quản lý, nhất là trong khoảng thời gian “nhạy cảm” này.
Xây dựng kế hoạch đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP Duy Hoàng Dương cho biết, từ thực tế áp dụng Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND TP, quy định mức tiền phạt đối với 60 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ở nội thành Hà Nội (theo quy định tại Điều 20, Luật Thủ đô năm 2012), khi thực hiện Nghị định 91/2019/NĐCP ngày 19/11/2019 của Chính phủ (đã được thay thế bởi Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 4/10/2024 của Chính phủ), kết quả đánh giá bước đầu cho thấy các vi phạm mới phát sinh tại các quận, huyện, thị xã từng bước được ngăn chặn.
Song, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức và cá nhân, theo khoản 1, Điều 33, Luật Thủ đô 2024 quy định về các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội với mức phạt gấp 2 lần, sẽ nâng cao tính răn đe và ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh trên toàn địa bàn TP. Đây là biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, một trong những yêu cầu và đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Duy Hoàng Dương, trên thực tế, các hành vi vi phạm về đất đai mang tính phổ biến trong thời gian qua, dù đã được cơ quan quản lý Nhà nước xử lý, song cũng có các hành vi vi phạm dẫn đến hậu quả khó khắc phục, thậm chí không khắc phục được, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và uy tín của chính quyền các cấp. Vì thế, việc nâng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm là rất phù hợp.
Chia sẻ về việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, Sở sẽ tham mưu UBND TP xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân để nâng cao nhận thức trong công tác quản lý đất đai và việc chấp hành các quy định của Luật Đất đai.
Sở cũng sẽ tham mưu UBND TP tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhất là tại thời điểm chuẩn bị và sau sắp xếp đơn vị hành chính, không còn cấp huyện và Thanh tra Sở; không để khoảng trống trong công tác kiểm tra, theo dõi tình hình chấp hành các quy định pháp luật quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP.
Theo nhiều chuyên gia, việc cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 đối với lĩnh vực đất đai bằng Nghị quyết nâng gấp 2 lần mức xử phạt vi phạm hành chính so với Nghị định của trung ương, Hà Nội đã thể hiện tính chủ động, bản lĩnh của đô thị đặc biệt, nơi áp lực phát triển, đô thị hóa song hành thách thức bảo vệ tài nguyên đất đai. Với nền tảng đó, việc triển khai Nghị quyết không dừng ở chiến dịch ngắn hạn xử lý vi phạm, mà từng bước hình thành “hệ sinh thái quản lý đất đai” đồng bộ, gắn trách nhiệm cụ thể giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo vệ tài nguyên đất đai...
Hà Trang
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/kiem-tra-viec-thuc-hien-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-dat-dai-418899.html