Tiết mục văn nghệ chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hồ Chí Minh.
Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải đã ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng bộ, dân và quân tỉnh Kiên Giang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và những thành tựu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh của tỉnh sau 50 năm giải phóng của tỉnh Kiên Giang.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tại tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, mùa Xuân 1975 lịch sử, hưởng ứng lệnh tổng tiến công, Đảng bộ tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh vùng lên mạnh mẽ với tinh thần chủ động, tự lực, tốc chiến, tốc thắng, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Kiên Giang, từ đất liền đến hải đảo trong ngày 30/4/1975.
Sau ngày toàn thắng 30/4/1975, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang tiếp tục lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong chiến đấu, làm thất bại âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc, góp phần làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Qua hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tỉnh Kiên Giang có hơn 13 nghìn cán bộ, chiến sĩ và hơn 100 nghìn đồng bào đã vĩnh viễn nằm xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hàng chục nghìn thương binh, bệnh binh; có 2.243 người nhiễm chất độc da cam, hơn 5 nghìn người thân của người nhiễm chất độc da cam cũng bị phơi nhiễm chất độc này.
Đặc biệt, kẻ thù đã xây dựng ở Phú Quốc một trại giam lớn ở miền nam, có lúc giam cầm, tra tấn dã man hơn 40 nghìn cán bộ, chiến sĩ, thủ tiêu hơn 5 nghìn người, trong đó có hơn 4 nghìn người chưa tìm được hài cốt.
Với trang sử vẻ vang, oanh liệt, tỉnh Kiên Giang có 57 tập thể, 28 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 461 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 22 nghìn tập thể và cá nhân được tặng thưởng 38 nghìn huân chương, huy chương các loại; có hơn 30 nghìn gia đình có công với cách mạng.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Kiên Giang.
“Chiến thắng 30/4/1975 là trang sử hào hùng, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải khẳng định.
Sau 50 năm giải phóng, tỉnh Kiên Giang đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có quy mô kinh tế tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; năm 2024, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 80 triệu đồng; sản lượng lúa 4,7 triệu tấn, đứng đầu cả nước; sản lượng thủy sản hơn 800 nghìn tấn, tăng hơn 4,5 lần so những năm đầu giải phóng.
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay Kiên Giang có tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 38%, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm hơn 20%. Đặc biệt dịch vụ du lịch phát triển mạnh mẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; năm 2024, tỉnh thu hút hơn 9,8 triệu lượt khách (trong đó gần 1 triệu lượt khách quốc tế).
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, diện mạo nông thôn và đô thị có chuyển biến tích cực. Đến nay, tỉnh Kiên Giang có 8/15 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã nông thôn mới nâng cao và 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ đô thị hóa chiếm hơn 36%, trong đó có 2 đô thị loại I (thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc), 1 đô thị loại III (thành phố Hà Tiên).
Hiện, tỉnh Kiên Giang có 2 sân bay; 12 cảng biển và cảng thủy nội địa; gần 350km quốc lộ, hơn 860km tỉnh lộ, 100% tuyến giao thông nông thôn được kiên cố hóa; 100% hộ sử dụng điện; thông tin liên lạc thông suốt.
Quang cảnh buổi lễ.
Văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Số hộ khá, giàu không ngừng tăng lên, nếu như năm 1976 hộ nghèo chiếm trên 50%, nay còn 0,99%; mạng lưới giáo dục, y tế phát triển đồng bộ, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, có 58% trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải cho rằng, càng hiểu và tự hào sâu sắc hơn về quá khứ, vững tin vào tương lai tươi sáng của đất nước và của tỉnh đòi hỏi mỗi người phải ra sức giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao ý chí tự lực tự cường, ra sức thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng văn hóa, xây dựng Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, góp phần tạo tiền đề vững chắc để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dịp này, tỉnh Kiên Giang công bố hoàn thành Phong trào thi đua “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Theo đó, sau gần 1 năm triển khai thực hiện, đến 25/4, toàn tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa lớn được 3.618 căn nhà cho hộ nghèo và cận nghèo (đạt 100%), với tổng số tiền hơn 229 tỷ đồng (trong đó: cấp tỉnh vận động và hỗ trợ xây dựng 3.374 căn với số tiền gần 200 tỷ đồng; cấp huyện vận động và hỗ trợ xây dựng 244 căn, với số tiền 11 tỷ 800 triệu đồng; vận động gia đình, dòng họ đóng góp 17 tỷ 280 triệu đồng).
Tỉnh Kiên Giang khen thưởng 10 tổ chức, tập thể có thành tích tham gia và đóng góp cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
LÊ QUỐC TRINH