Kiên Giang thống nhất chủ trương hợp nhất hai tỉnh An Giang và Kiên Giang

Kiên Giang thống nhất chủ trương hợp nhất hai tỉnh An Giang và Kiên Giang
6 giờ trướcBài gốc
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, phát biểu
Đây là một phần trong chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sắp xếp lại các đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, nhấn mạnh: Việc chuẩn bị hợp nhất, sáp nhập các tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương lớn, đang được triển khai khẩn trương, quyết liệt trên phạm vi cả nước.
Vì vậy, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân Kiên Giang phát huy truyền thống cách mạng, tuyệt đối tin tưởng và chấp hành chủ trương của Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao; yên tâm công tác, bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục ở cơ quan, tổ chức, địa phương, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, Kiên Giang tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang thành tỉnh An Giang. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang hiện nay). Tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên 9.888,91 km², quy mô dân số hơn 4,9 triệu người, với 102 đơn vị hành chính cấp cơ sở gồm 85 xã, 14 phường và 3 đặc khu.
Cùng với việc thống nhất chủ trương hợp nhất hai tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh năm 2025. Theo đó, toàn tỉnh sẽ còn 48 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 41 xã, 4 phường (Vĩnh Thông, Rạch Giá, Hà Tiên, Tô Châu) và 3 đặc khu (Kiên Hải, Phú Quốc, Thổ Châu).
Hội đồng nhân dân tỉnh cũng Quyết nghị điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025, với tổng vốn điều chỉnh gần 984 tỷ đồng. Các hạng mục điều chỉnh nhằm giảm vốn 41 dự án và tăng vốn cho 35 dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quyết định điều chỉnh một số danh mục dự án đầu tư công vốn ngân sách năm 2025, giảm hơn 2.578 tỷ đồng vốn chưa phân khai chi tiết, đồng thời điều chỉnh tăng/giảm vốn đầu tư cho 77 danh mục dự án; tăng/giảm kế hoạch vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giữa các sở, ban, ngành và địa phương với tổng kế hoạch vốn điều chỉnh hơn 3.033 tỷ đồng, gồm: giảm vốn 19 danh mục dự án, tăng vốn 58 danh mục dự án.
Một trong những Quyết nghị quan trọng là việc điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng cầu trên tuyến đường ven biển kết nối huyện An Biên với thành phố Rạch Giá. Dự án có chiều dài 3,5km, cầu được xây dựng bằng thép, bê tông cốt thép dự ứng lực, quy mô 6 làn xe, kết hợp hệ thống thoát nước, chiếu sáng, nút giao, cảnh quan ngắm biển và hệ thống an toàn giao thông.
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp
Ngoài ra, Hội đồng nhân dân tỉnh còn thống nhất giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án xây dựng cầu Ba Đình kết nối Bạc Liêu và Kiên Giang; thông qua chương trình phát triển đô thị thành phố và khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040.
Điều chỉnh chủ trương chuyển đổi đất rừng trên đảo Phú Quốc để thực hiện các dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp; quyết nghị về tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách bổ sung cho ngành giáo dục năm học 2024 - 2025; điều chỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp một số tuyến đường giao thông tại thành phố Rạch Giá, Phú Quốc và các huyện U Minh Thượng, Hòn Đất.
Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng thực hiện quy trình miễn nhiệm 6 ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh khóa X do thay đổi công tác hoặc nghỉ hưu, đảm bảo bộ máy chính quyền vận hành thông suốt, hiệu quả trong giai đoạn chuyển tiếp.
Để các nghị quyết vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nhanh chóng đi vào cuộc sống, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Riêng đối với dự thảo Nghị quyết chủ trương hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang thành tỉnh An Giang; chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Kiên Giang năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, đề án theo quy định và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Việc triển khai các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân. Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, tỉnh Kiên Giang chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, biến những chủ trương lớn thành hiện thực sinh động, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.
Phương Vũ
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-thong-nhat-chu-truong-hop-nhat-hai-tinh-an-giang-va-kien-giang-a28507.html