Kiến nghị bỏ sổ hồng giấy để tránh làm giả

Kiến nghị bỏ sổ hồng giấy để tránh làm giả
2 ngày trướcBài gốc
Ngày 26-5, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Thủ Tướng Chính Phủ, Bộ NN&MT, Thành ủy TP.HCM kiến nghị thực hiện số hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng).
"Hàng triệu giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai đang cấp bằng giấy nên được định hướng chuyển đổi số bằng định danh thửa đất, tờ bản đồ tích hợp vào số căn cước công dân chủ sở hữu trên cả nước để quản lý, xác lập chủ sở hữu và cấp giấy chứng nhận trên không gian số.
Điều này còn có mục tiêu làm dữ liệu nền cho các công tác quản lý Nhà nước khác. Trong đó có việc quản lý quy hoạch, xây dựng và thu thuế bất động sản khi chuyển dịch, thậm chí tránh làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phù hợp quy định trong Luật đất đai 2024 về hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai tại Điều 163 cho đến Điều 170" - văn bản kiến nghị nêu rõ.
Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chuyển đổi sổ hồng giấy bằng cách định danh thửa đất, tờ bản đồ tích hợp vào số căn cước công dân.. Ảnh minh họa
Ngoài ra, Viện này cho rằng để “đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” theo Nghị quyết 66 thì việc điều chỉnh một số điều khoản trong Nghị định 103 của Chính phủ là rất cần thiết.
Theo đó, đề xuất của viện nêu rõ: Trong quá trình xây dựng Nghị định 103, Bộ Tài Chính đã yêu cầu Bộ TN&MT (nay là Bộ NN&MT) cung cấp dữ liệu để xây dựng với mục tiêu không làm tăng đột biến số tiền sử dụng đất tại các địa phương.
Tuy nhiên, cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân tại Điều 8 của Nghị định 103 tăng gấp hàng chục lần so với trước khi Luật đất đai có hiệu lực. Điều này khiến người dân bất an, gây ra hệ lụy trong phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản.
Hiện nay, người dân trên cả nước rất ít người lập thủ tục chuyển mục đích sang đất ở vì tiền chuyển mục đích quá cao, có những địa phương gấp gần 20 lần so với Luật đất đai 2013.
Chính vì vậy, viện kiến nghị Chính Phủ xem xét đánh giá lại một cách khách quan với những hệ lụy đang tồn tại do ảnh hưởng của Nghị định 103 như không thu được tiền chuyển mục đích sử dụng đất trong quý IV-2024 và quý I-2025. Điều này ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số của Quốc gia và ảnh hưởng nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị Quyết 68 và thị trường bất động sản của cả nước do giá đất tăng cao.
NGUYỄN CHÂU
Nguồn PLO : https://plo.vn/kien-nghi-bo-so-hong-giay-de-tranh-lam-gia-post851847.html