Ngày 21-5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Góp ý tại hội nghị, luật sư Tô Văn Chung, thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQ VN TP.HCM nêu thực tế theo kế hoạch sắp xếp bộ máy thì không còn TAND, VKSND cấp huyện mà thay vào đó là TAND, VKSND khu vực.
Tuy nhiên, do TAND, VKSND khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể nên không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.
Ông Chung cho rằng chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, yêu cầu người bị chất vấn trả lời trực tiếp và chịu trách nhiệm về nội dung trả lời của mình trước đại biểu, cử tri.
Như vậy, nếu không được quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND thì đại biểu HĐND sẽ khó có thể trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của TAND, VKSND.
“Đặc biệt là trường hợp oan sai hoặc quyết định tố tụng của TAND, VKSND mà cử tri bức xúc, nếu đại biểu HĐND không được quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND thì rõ ràng việc thực hiện giám sát của đại biểu HĐND sẽ không đầy đủ, chưa làm tròn nhiệm vụ với cử tri”- LS Chung lý giải.
Do đó, LS Tô Văn Chung kiến nghị Hiến pháp sửa đổi nên giữ nguyên quy định của Hiến pháp 2013 rằng Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.
Cùng ý kiến, LS Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM (nguyên Chánh án TAND TP.HCM) đề nghị giữ quy định tại Khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp hiện hành để đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.
“Đây là một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nội dung này hiện nay chưa phát sinh vướng mắc”- bà Hương lý giải.
Cũng theo LS Hương, việc tổ chức chất vấn riêng sẽ tạo điều kiện để đại biểu trao đổi, làm rõ các nội dung đại biểu và cử tri quan tâm một cách chính thức, công khai đối với người được chất vấn. HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND khu vực và cấp tỉnh.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đánh giá sau hơn 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện vai trò to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên trước yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống chính trị, cải cách bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển lâu dài. Trong đó có việc sửa đổi các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
“Việc góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mà còn là trách nhiệm cao cả của những người đã và đang công tác trong hệ thống Mặt trận và hệ thống chính trị. Xây dựng Hiến pháp không chỉ là vấn đề của các nhà lập pháp, mà còn là vấn đề của toàn dân”- ông Tuấn khẳng định.
BẢO PHƯƠNG