Kiến nghị sửa 2 Luật để 'gỡ' khó cho doanh nghiệp

Kiến nghị sửa 2 Luật để 'gỡ' khó cho doanh nghiệp
4 giờ trướcBài gốc
Tham dự Hội thảo có ông Lê Quang Huy - Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường; cùng đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, các tổ chức doanh nghiệp Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc…
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Gia Hồng
Những bất cập đang hiện hữu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật (LHH) Hà Nội cho rằng, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là những luật gốc có tác động đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến vấn đề đảm bảo chất lượng, an toàn và thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa Việt nam.
TS. Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh Gia Hồng)
Hai luật này được Bộ KH&CN xây dựng và Quốc hội thông qua từ năm 2006 đối với Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và năm 2007 với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đến nay gần 20 năm, nên đã bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại cần sửa đổi, bổ sung mà Quốc hội đã đưa vào chương trình các Luật sửa đổi trong năm 2024-2025.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh Gia Hồng)
Tại hội thảo TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là những luật có phạm vi ảnh hưởng, tác động rộng rãi, chi phối toàn bộ điều kiện sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Vì vậy, cả hai bộ luật này có tính khoa học cao, tính quy phạm và đại diện cao, hạn chế thấp nhất vấn đề để các luật, quy phạm pháp luật chuyên ngành lạm dụng làm mất đi tính nhất thể hóa, là sức mạnh tổng hợp trong sản xuất sản phẩm hàng hóa của mỗi quốc gia và gây ra những phiền hà không đáng có cho người dân, doanh nghiệp. Ông kiến nghị hợp nhất 2 luật này thành 1 luật sau khi sửa đổi.
Ông Dương nhận định rằng quy định phải công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã tồn tại gần 20 năm nay rất hình thức, chỉ khiến người dân và doanh nghiệp nói dối và gây ra tình trạng lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc phát biểu. (Ảnh Gia Hồng)
Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh rằng: “Cần bỏ quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa. Cần chủ động sản xuất trong nước để hội nhập và vươn ra thế giới khẳng định tầm quan trọng của ngành sản xuất và kinh doanh phân bón của Việt Nam.
Qua thực tiễn 18 năm thực hiện hai Luật tiêu chuẩn và Luật chất lượng sản phẩm, hai luật này có phạm vi ảnh hưởng tác động rất lớn, chi phối toàn bộ điều kiện sản xuất kinh doanh đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Không nên duy trì các công bố hợp quy.
Nên bỏ Điều 48 trong Quy định phải công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, điều đó có lợi cho dân, cho đất nước trong kỷ nguyên mới “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc””.
Kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy sản phẩm
Tại Hội thảo các đại biểu đề nghị, cần sửa đổi Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường trên tinh thần xác định phương pháp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa sao cho phù hợp với tình hình hiện nay. Cần khẩn trương đưa các tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc sở hữu Nhà nước thành các công ty cổ phần, nhằm bảo đảm công bằng giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp sở hữu tư nhân với các tổ chức đánh giá sự phù hợp sở hữu Nhà nước.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là quy định về công bố hợp quy sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất và lưu thông.
Hiện nay, các chỉ tiêu chất lượng và an toàn của sản phẩm đã được doanh nghiệp công bố trong hồ sơ đăng ký sản phẩm cũng như trên nhãn mác bao bì. Việc yêu cầu thêm thủ tục công bố hợp quy không những không mang lại giá trị gia tăng trong kiểm soát chất lượng mà còn làm gia tăng chi phí và thời gian chờ đợi.
Doanh nghiệp cho rằng quy trình công bố hợp quy hiện tại mang tính hình thức, không có ý nghĩa thực tế trong quản lý sản phẩm. Các thủ tục liên quan, bao gồm đánh giá quy trình sản xuất, lấy mẫu thử nghiệm để kiểm tra sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, không chỉ làm tăng gánh nặng tài chính mà còn làm chậm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Lê Quang Huy - Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh Gia Hồng)
Tại Hội thảo ông Lê Quang Huy - Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội biểu dương các đơn vị tổ chức Hội thảo nhằm tháo gỡ các kiến nghị liên quan đến sửa đổi hai Luật tiêu chuẩn và Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường đều rất quan trọng của đất nước. Ông Huy cho rằng, trên cơ sở hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam cần sửa đổi và sớm ban hành 02 luật trên để phù hợp với thực tiễn.
Ông Huy cho rằng: "Hiện nay, có 3 phương án được đưa ra: Thứ nhất là nên bỏ hoàn toàn quy định công bố hợp quy. Thứ 2 là nên giữ lại công bố hợp quy. Thứ 3 là vẫn giữ thủ tục công bố hợp quy nhưng có điều chỉnh một số vấn đề có liên quan, bất cập trong quy định.
Thông qua ý kiến, góp ý của các đại biểu tại hội thảo hôm nay, chúng tôi sẽ củng cố thêm thông tin để hoàn thiện báo cáo gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan nhằm tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025".
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường bày tỏ quan điểm về sửa đổi 02 luật Tiêu chuẩn và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước. (Ảnh Gia Hồng)
Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - ông Tạ Văn Tường cho biết hai luật này tồn tại những bất cập nhất định hiện nay. Trên cương vị cơ quan quản lý nhà nước ông Tường xin lắng nghe những ý kiến đóng góp để hoàn thiện trong lĩnh vực công tác, phần nào hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Trước đó, ngày 11/02/2025, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) đã có công văn số 57/LHHVN về việc góp ý xây dựng văn bản pháp luật gửi Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy của Quốc hội.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là hai Luật “gốc” có mức độ và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, quyết định toàn bộ cách thức tiếp cận và phương thức kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa và chi phí sản xuất sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Trong đó, Luật Chất lượng sản phẩm chi phối tới 79 văn bản và Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn chi phối tới 104 văn bản luật, pháp lệnh quản lý chuyên ngành liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn được ban hành năm 2006 và Luật Chất lượng sản phẩm ban hành năm 2007, đã có tác dụng tích cực trong vấn đề kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa của nước ta.
Gia Hồng
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/kien-nghi-sua-2-luat-de-go-kho-cho-doanh-nghiep-post540621.html