Kiến nghị thành lập Hội đồng xử lý tài sản trong các 'đại án'

Kiến nghị thành lập Hội đồng xử lý tài sản trong các 'đại án'
một giờ trướcBài gốc
Sáng 11-10, tại Hội trường Báo Sài Gòn Giải Phóng, Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM”.
Đồng chí Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng, đặt vấn đề trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thảo luận tại tọa đàm, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn LSVN, cho rằng, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả vụ án thời gian qua còn một số hạn chế.
Cụ thể, hoạt động giám định tư pháp, định giá trong tố tụng hình sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định tài sản, số tiền tham nhũng hoặc hậu quả thiệt hại của vụ án. Song, trong nhiều vụ án, công tác giám định tư pháp, định giá tài sản bị kéo dài, phải giám định bổ sung hoặc giám định lại, nên việc xác định đúng số tiền bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại gặp nhiều khó khăn.
Một số vụ án có nhiều tài sản, cổ phần, cổ phiếu không được định giá trong tố tụng hình sự hoặc do chưa hoàn thiện về pháp lý nên bị quy giá trị về bằng “0”, dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án.
Luật sư Phan Trung Hoài phát biểu tại tọa đàm. Thực hiện: THỤY QUYÊN - TAM NGUYÊN
"Ở TPHCM, có nhiều dự án do thời gian tố tụng kéo dài, quy hoạch của địa phương thay đổi, bị Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao đất nên ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, của Nhà nước; một số dự án bị thu hồi như Dự án tại số 8-12 Lê Duẩn hiện đang làm bãi giữ xe tạm…", Luật sư Phan Trung Hoài dẫn chứng.
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn LSVN phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đưa ra giải pháp, Luật sư Phan Trung Hoài kiến nghị, cần thống nhất quan điểm coi trọng vị trí, vai trò của luật sư, tạo điều kiện cho việc tham gia của luật sư ngay từ khi xác minh tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
“Nếu luật sư được tham gia trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của pháp luật và trách nhiệm của người bào chữa, sẽ giúp người bị buộc tội nhận thức đầy đủ, sớm tự nguyện và vận động gia đình nộp tiền thu lợi bất chính và khắc phục hậu quả ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử trước thời điểm thi hành án hình sự và dân sự”, Luật sư Phan Trung Hoài nhận định.
Đặc biệt, trong quá trình thi hành án, TPHCM cần thành lập Hội đồng xử lý tàisảnthi hành án đối với các vụ đại án kinh tế, tham nhũng. Thông qua đó có thể tập trung sức mạnh tổng hợp và có cơ chế tháo gỡ khó khăn về pháp lý cũng như thủ tục để hồi sinh các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn, ở các vị trí “đất vàng” của TPHCM (như dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng; dự án số 8-12 Lê Duẩn, 152 Trần Phú, dự án Mũi Đèn Đỏ…). Kết quả đạt được sẽ có nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Ban Nội chính Thành ủy TPHCM, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Giải pháp này sẽ giúp xử lý minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự, lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức có liên quan đối với các tài sản bị kê biên, phong tỏa có giá trị lớn, hồ sơ pháp lý phức tạp (các dự án bất động sản còn vướng mắc, chưa hoàn thiện về pháp lý).
Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TPHCM cũng đề nghị tiếp tục tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, nhất là công tác phong tỏa, thu giữ, chuyển giao, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt có nguồn gốc Việt Nam ra nước ngoài.
"Trên cơ sở khuyến nghị của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Việt Nam có thể tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm về cơ chế tịch thu tài sản không dựa trên phán quyết của tòa án, đặc biệt khi người phạm tội đã chết, lẩn trốn hoặc vắng mặt, hoặc các trường hợp khác được quy định của Công ước. Đây là biện pháp đạt được hiệu quả cao trong thực tiễn bởi sự kịp thời về mặt thời gian, thủ tục trước khi đưa vụ việc vào quy trình tố tụng đồng thời có thể nghiên cứu học tập kinh nghiệm của một số nước về thu hồi tài sản", Luật sư Hà Hải nêu ý kiến.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Ban Nội chính Thành ủy TPHCM đề nghị các luật sư mạnh dạn đề xuất, kiến nghị cụ thể gửi Ban Nội chính Thành ủy nhằm tháo gỡ vướng mắc, nâng cao kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM.
Cục trưởng Cục THADS TPHCM Nguyễn Văn Hòa phát biểu tại tọa đàm. Thực hiện: THỤY QUYÊN - TAM NGUYÊN
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục THADS TPHCM, tính đến tháng 8-2024, tổng số phải giải quyết là 465 việc, ủy thác 8 việc. Tổng số phải thi hành là 457 việc, trong đó: có điều kiện thi hành là 311 việc, chưa điều kiện thi hành (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) 134 việc, hoãn thi hành án 9 việc, tạm đình chỉ 3 việc, thi hành xong 121 việc (đạt tỷ lệ 38,91% trên số có điều kiện thi hành).
Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục THADS TPHCM phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về tiền, tổng số phải thi hành là gần 72.000 tỷ đồng, trong đó: có điều kiện thi hành hơn 42.000 tỷ đồng, chưa có điều kiện thi hành (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là hơn 28.000 tỷ đồng. Hiện đã thi hành xong gần 9.500 tỷ đồng.
THU HƯỜNG - THÀNH CHUNG - VĂN MINH - NGÔ BÌNH - THÁI PHƯƠNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/kien-nghi-thanh-lap-hoi-dong-xu-ly-tai-san-trong-cac-dai-an-post763135.html