Ngày 9/5, UBND TP.HCM cho biết, đơn vị vừa có công văn gửi Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng về hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 4 TP.HCM.
Hướng tuyến dự án Vành đai 4 đi qua 5 địa phương.
Theo UBND TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 807/TTg-CN ngày 16/10/2024 về giao UBND TP là cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án trên cơ sở tổng hợp từ Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập.
Ngày 23/11/2024, UBND TP đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ kèm theo Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án. Ngày 19/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1617/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Đến ngày 24/4 vừa qua, Hội đồng có Báo cáo gửi Chính phủ về kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án; theo đó, Hội đồng đề nghị UBND TP.HCM và các tỉnh tiếp thu ý kiến của Hội đồng và các thành viên Chính phủ (nếu có) để hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án; phối hợp với Bộ Xây dựng chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.
Phối cảnh Vành đai 4 TP.HCM sau khi hoàn thành.
Tiếp đó, UBND TP đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn thiện hồ sơ Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 theo Báo cáo số 5460/BC-HĐTĐNN ngày 24/4 của Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Đến nay, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã đáp ứng các điều kiện để Chính phủ trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư theo quy định (về sự cần thiết đầu tư, yêu cầu kỹ thuật, sự phù hợp quy hoạch, cam kết nguồn vốn ngân sách của các địa phương tham gia...).
Trong giai đoạn tiếp theo (bước báo cáo nghiên cứu khả thi), các địa phương cam kết tiếp tục rà soát, thực hiện đầy đủ các nội dung theo báo cáo kết quả thẩm định đã nêu nhằm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chi phí đầu tư dự án theo đúng quy định.
Do đó UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo về cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương tham gia thực hiện dự án vành đai 4 TP.HCM (hỗ trợ phần ngân sách Nhà nước tham gia dự án thành phần đoạn qua tỉnh Long An).
Đồng thời trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 TP.HCM theo quy định.
Theo quy hoạch, đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 207km, đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 47,95km, đang được địa phương này triển khai đầu tư độc lập theo nghị quyết của HĐND tỉnh.
Đối với phần còn lại dài 159,3km đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ GTVT đang lập dự án tổng thể để trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư. Dự án được kỳ vọng sẽ có các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ, thậm chí nhanh hơn cả dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đang thi công hiện nay.
Về quy mô giai đoạn 1, các địa phương sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh cho 8 làn xe. Tuyến cao tốc chính sẽ được đầu tư trước với 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, đồng thời xây dựng đường gom, đường song hành hai bên tuyến.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ dự án là hơn 120.412 tỷ đồng, triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia khoảng 69.780 tỷ đồng, phần còn lại do nhà đầu tư huy động, khoảng 53.632 tỷ đồng, chiếm gần 43% tổng vốn đầu tư.
Mỹ Quỳnh