Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản của Dự án BOT quốc lộ 51. Ảnh: Phạm Tùng
Trong văn bản Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã nhận được văn bảo của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về việc kiến nghị đầu tư sửa chữa hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó có kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Tài chính thực hiện nhanh các thủ tục xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản của Dự án mở rộng quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo Bộ Giao thông vận tải, công tác quản lý, bảo trì tuyến chính của quốc lộ 51 là rất cấp thiết. Đồng thời, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản có tính đặc thù, phục vụ mục đích công cộng, dân sinh, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng... trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào thì cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tổ chức quản lý, khai thác tài sản đảm bảo giao thông được liên tục, thông suốt và an toàn. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính thống nhất xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản đã được doanh nghiệp dự án bàn giao cho Cục đường bộ Việt Nam để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời tổ chức, thực hiện công tác quản lý, bảo trì và khai thác tài sản theo quy định.
Các tài sản này đã được nhà đầu tư đề nghị tạm dừng công tác bảo trì dự án và bàn giao tài sản dự án cho Cục đường bộ Việt Nam vào cuối tháng 1-2023. Ngày 19-4-2023, nhà đầu tư dự án là Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) đã bàn giao 72,7 km bao gồm chiều dài đường và chiều dài cầu trên 25 m thuộc đoạn tuyến từ Km0+900- Km73+600 quốc lộ 51 cho Cục Đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa bàn giao nhà điều hành, hệ thống thiết bị thu phí, cũng như các tài sản khác phục vụ cho dự án.
Để đảm bảo việc quản lý, bảo trì khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được liên tục, đảm bảo an toàn giao thông, nhằm bảo vệ, kéo dài thời gian khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, Cục đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận các hạng mục tài sản BVEC bàn giao để thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo quản tài sản.
Thi công bảo trì tuyến quốc lộ 51 đoạn qua địa bàn tỉnh. Ảnh: CTV
Theo hợp đồng giữa Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC ký vào năm 2009, tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án BOT đầu tư mở rộng quốc lộ 51 là 20,66 năm, trong đó thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3-8-2012 đến 27-3-2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28-3-2029 đến 28-3-2033). Đến cuối tháng 2-2017, thời gian thu phí hoàn vốn dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1-7-2009 đến hết ngày 12-1-2030 và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.
Đến cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận và đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng. Từ ngày 13-1-2023, Dự án BOT đầu tư mở rộng quốc lộ 51 đã tạm dừng thu phí.
Phạm Tùng