Thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác thi hành án năm 2024 ngày 26-11, đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) đánh giá kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính (THAHC) chưa nghiêm, số bản án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng gia tăng.
“Nhiều trường hợp người phải THA là người trong các cơ quan nhà nước đã không tự nguyện thi hành, làm cho vụ việc tồn đọng, kéo dài trong khi lẽ ra họ phải nêu gương trước” - ĐB tỉnh Quảng Trị nói và cho rằng điều này khiến kỷ cương, phép nước, tinh thần thượng tôn pháp luật khó có được.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: PHẠM THẮNG
Ông Hoàng Đức Thắng phân tích các vụ án hành chính là biểu hiện của sự xung đột, dồn nén lợi ích, là sự phản ứng của công dân đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước thực hiện. Thông thường, kết quả không thành khi giải quyết bằng biện pháp hành chính được đẩy lên để giải quyết bằng biện pháp tư pháp.
“Nếu không được nhìn nhận, đánh giá, xử lý đầy đủ, lâu dần sẽ gây hệ lụy phức tạp, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ, hình ảnh Nhà nước của dân, do dân và vì dân” - ông Thắng nói thêm.
Cũng theo ĐB đoàn Quảng Trị, khi xét xử các vụ án hành chính, thẩm phán chủ tọa phiên tòa thường có vị trí chính trị thấp hơn người bị kiện nên thường chịu áp lực lớn về tâm lý, dễ dẫn đến phán quyết có thể gây thiệt thòi cho người dân. “Có thể đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ án bị hủy, bị sửa còn cao” - vẫn lời ông Thắng.
Giải trình cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay dù bộ đã có rất nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, tuy nhiên tính đến hết tháng 9-2024, tỉ lệ THAHC xong mới đạt trên 45%, từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng hết sức nhưng rất khó có thể đạt được tỉ lệ 100%.
“Chúng tôi thẳng thắn nhìn nhận rằng trong thiếu sót, hạn chế của công tác THA nói chung và quản lý nhà nước THAHC nói riêng có phần trách nhiệm của Bộ Tư pháp” - ông Nguyễn Hải Ninh nói và cho biết thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ đổi mới cách làm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết Bộ đã đề nghị đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo cấp tỉnh những vụ việc thi hành án hành chính trên địa bàn. Ảnh: PHẠM THẮNG
Theo đó, ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp lâu nay đã triển khai, bộ sẽ phối hợp với TAND Tối cao tập trung tổng kết và đề xuất sớm sửa Luật Tố tụng hành chính và các văn bản có liên quan.
Đặc biệt, bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương có nhiều án hành chính tồn đọng, kiên quyết kiến nghị và theo dõi thực hiện kiến nghị về việc xử lý trách nhiệm với trường hợp không thi hành hoặc chậm thi hành.
Bộ cũng tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 26, trong đó có việc đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm trách nhiệm của người phải thi hành vi phạm nghĩa vụ THAHC thuộc thẩm quyền quản lý.
Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ kiến nghị Thủ tướng xử lý đối với các trường hợp người phải thi hành là chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có vi phạm nghĩa vụ THAHC.
“Các trường hợp đến mức phải xử lý thì cần được xử lý nghiêm trách nhiệm để làm gương” - ông Nguyễn Hải Ninh nói và khẳng định Bộ Tư pháp sẽ chú trọng làm việc trực tiếp với Ban Thường vụ cấp tỉnh, Thành ủy để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác THA nói chung và án hành chính nói riêng tại địa bàn.
Ông Nguyễn Hải Ninh cũng đề nghị đưa vào diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo đối những vụ việc THAHC trên địa bàn. “Hiện tỉnh Nghệ An và tỉnh Quảng Nam đang làm rất tốt việc này” - ông Ninh dẫn chứng.
NHÓM PHÓNG VIÊN