Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ của ngành, địa phương theo Chỉ thị số 38/CT-TTg, Kế hoạch 270/KH-UBND ngày 24-8-2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trưởng khoa Y tế công cộng, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập Ðiểu Ken kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại 1 cơ sở sản xuất nước đá ở xã Ðắk Ơ - Ảnh: Thanh Thảo
Sở Y tế đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho các nhóm đối tượng trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn tại các khu công nghiệp, trường học và các dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố... Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các biện pháp giám sát nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; thông tin và cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, độc tố tự nhiên...
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm ATTP, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Chủ trì về chuyên môn, phối hợp tập huấn, cập nhật kiến thức, diễn tập ứng phó sự cố, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý ATTP trên địa bàn theo phân công, phân cấp; tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố ATTP và công tác phân tích nguy cơ đối với ATTP thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; phối hợp tích cực với Sở Y tế điều tra nguyên nhân, chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định.
Công an tỉnh tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng; nhất là hành vinhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý về ATTP trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho các nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi các hành vi mất ATTP. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, theo phân cấp quản lý.
Đồng thời thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức, bố trí nguồn lực, diễn tập ứng phó sự cố ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo trong công tác nắm bắt tình hình, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kịp thời xử lý thông tin sự cố, nguy cơ, vụ việc ngộ độc thực phẩm trên địa bàn…
N.K