Theo UBND tỉnh, hiện nay, phần lớn phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ chưa được thống kê thu hồi, lập hồ sơ quản lý (trừ các đoạn qua đô thị đã được phê duyệt quy hoạch theo chỉ giới đường đỏ). Các khu dân cư đã được phê duyệt quy hoạch dọc các tuyến đường địa phương được nâng cấp thành đường tỉnh, quốc lộ chưa được điều chỉnh kịp thời theo cấp đường; đồng thời việc nâng cấp mở rộng một số đoạn tuyến không thu hồi hết phần đất ở trong hành lang an toàn đường bộ dẫn đến việc xây dựng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp. Đây là tồn tại gây khó khăn giữa thực hiện thể chế và thực tiễn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm trật tự hành lang an toàn đường bộ của cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương.
Để quản lý việc xây dựng trên đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ nhưng Nhà nước chưa thu hồi đất, đảm bảo quyền sử dụng đất của người dân và phù hợp với quy định của pháp luật, UBND tỉnh yêu cầu Sở VHTT&DL phối hợp với chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí địa phương và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về việc xây dựng trên đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ. UBND các địa phương chủ trì, phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ và lực lượng liên quan theo dõi, hướng dẫn, quản lý việc xây dựng trên đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ nhưng chưa được Nhà nước thu hồi đất; kiên quyết xử lý kịp thời, triệt để các trường hợp vi phạm; tuyên truyền, phổ biến các quy định đến các tầng lớp nhân dân.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh bố trí lực lượng bảo đảm ANTT công tác cưỡng chế của UBND cấp huyện khi thực hiện cưỡng chế, giải tỏa các công trình lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trên đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi đất mà chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai. Sở Xây dựng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các vấn đề phát sinh.
HỒ NHƯ