Bình Dương đang kiến tạo đô thị văn minh, hiện đại, thông minh. Trong ảnh: Một góc đô thị Thuận An
Nhiều năm qua, Sở Xây dựng đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tham gia xây dựng tỉnh Bình Dương ngày càng văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình. Sở Xây dựng đã tích cực triển khai các chương trình phát triển đô thị của tỉnh, góp phần nâng cấp các đô thị, từ đó nhanh chóng hình thành hệ thống đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 85%.
Nỗ lực vươn mình phát triển, kiến tạo đô thị, đến nay theo phân loại đơn vị hành chính, Bình Dương có 10 đô thị/9 đơn vị hành chính cấp huyện, (gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại V) trực thuộc tỉnh, gồm: TP.Thủ Dầu Một (đô thị loại I năm 2017); TP.Dĩ An (đô thị loại II năm 2023); TP. Thuận An (đô thị loại III năm 2017); TP.Bến Cát và TP.Tân Uyên (đô thị loại III năm 2018); đô thị Dầu Tiếng - huyện Dầu Tiếng, đô thị Phước Vĩnh - huyện Phú Giáo, đô thị Lai Uyên - huyện Bàu Bàng, đô thị Tân Thành - huyện Bắc Tân Uyên, đô thị Tân Bình - huyện Bắc Tân Uyên (đô thị loại V).
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết thời gian qua, công tác nâng cấp phát triển đô thị trên địa bàn bảo đảm đúng định hướng của tỉnh. Các chương trình, kế hoạch trọng tâm của tỉnh được các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ và đạt được kết quả khả quan.
Phát triển mô hình mạng lưới đô thị
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 đô la Mỹ. Năm 2030, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp và xây dựng chiếm 64%, dịch vụ chiếm 28%, nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa 88-90%; dân số đạt 4,04 triệu người; phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết, nhằm triển khai đồng bộ định hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Bình Dương theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với mục tiêu kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc; đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng khung kết nối hệ thống đô thị trong tỉnh với các đô thị trong vùng; xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển hệ thống đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, việc lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 là cần thiết và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Theo đó, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 sẽ làm cơ sở quản lý, phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh bảo đảm các định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, chương trình phát triển đô thị quốc gia; bảo đảm các yêu cầu về quản lý đầu tư phát triển đô thị; phù hợp với các định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Đồng thời, Bình Dương từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh; nâng cao chất lượng sống đô thị, thông qua việc bố trí nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, từng bước hiện đại và bền vững; bảo đảm tính kết nối theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như phát huy được các thế mạnh của tỉnh.
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 xác định danh mục, lộ trình và kế hoạch thực hiện phân loại đô thị, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị để thực hiện phương án phát triển hệ thống đô thị tỉnh theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm, cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình; xây dựng chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng các chương trình, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị; xây dựng nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực, giải pháp, danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác, kết quả dự kiến theo khung thời gian hàng năm, 5 năm và 10 năm.
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 cũng là cơ sở để tỉnh chỉ đạo công tác phát triển đô thị và huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: UBND tỉnh đã có văn bản về chủ trương lập tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng là đơn vị tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc kế hoạch tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Hiện Sở Xây dựng đang tổ chức thực hiện trình tự lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035.
Theo baobinhduong.vn