Trước chủ trương cải tạo không gian quanh hồ nhằm tạo môi trường sinh hoạt cộng đồng và thúc đẩy du lịch, điều quan trọng là phải nhận diện đúng giá trị cảnh quan để có những bước đi phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến bản sắc.
Hànôịmới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam xung quanh vấn đề này.
KTS Đào Ngọc Nghiêm.
- Thưa KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc cải tạo cảnh quan hồ Hoàn Kiếm đã được UBND thành phố Hà Nội tiến hành nhiều lần nhưng đây có lẽ là lần cải tạo có quy mô lớn nhất. Theo ông, tại sao Hà Nội lại quyết định chọn thời điểm này và việc cải tạo mang lại ý nghĩa gì cho Hà Nội?
- Việc cải tạo, chỉnh trang hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận ở thời điểm này là một bước đi cần thiết bởi Hà Nội đang thiếu những không gian công cộng rộng rãi, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về mặt nước, cây xanh, khu thương mại và dịch vụ giải trí. Đặc biệt, Hà Nội đang rất thiếu những quảng trường đúng nghĩa, nơi không bị ảnh hưởng bởi giao thông và có thể hoạt động ở mọi thời điểm.
Đặc biệt, chủ trương cải tạo khu vực phía đông hồ Hoàn Kiếm nhằm tăng cường không gian công cộng là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể nơi này và định hướng phát triển đô thị của Hà Nội.
Sau khi hoàn thiện cải tạo, khu vực này sẽ tạo không gian công cộng kết nối hài hòa với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phố đi bộ, tăng mảng xanh, hạn chế xây dựng, góp phần bảo tồn và phát huy tối đa giá trị di sản đô thị và nâng cao chất lượng cảnh quan, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách khi đến với không gian đi bộ cùng các sự kiện văn hóa của thành phố.
- Vậy theo ông, điều quan trọng nhất khi cải tạo không gian hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là gì?
- Chúng ta cần nhận diện đúng giá trị cảnh quan của hồ Hoàn Kiếm. Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, họ đã nhận diện chính xác giá trị của hồ và tiến hành quy hoạch lại, xây dựng hệ thống đường bao quanh hồ và khánh thành vào năm 1893. Từ đó, khu vực này trở thành vùng chuyển tiếp giữa khu phố cổ Thăng Long với khu phố mới mang phong cách châu Âu, đồng thời đóng vai trò là trung tâm của thành phố, nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa quan trọng.
Về mặt không gian, phía bắc hồ Hoàn Kiếm được thiết kế mở, trở thành điểm đến của nhiều tuyến phố cổ, tiêu biểu là hai tuyến Hàng Ngang - Hàng Đào và Hàng Cân - Lương Văn Can. Đây đều là những con phố buôn bán sầm uất, mang đậm nét đặc trưng của Kẻ Chợ với không khí náo nhiệt, sôi động. Chính nhờ vai trò kết nối và giao thoa này, hồ Hoàn Kiếm không chỉ đơn thuần là một cảnh quan thiên nhiên mà còn là biểu tượng văn hóa xuyên suốt nhiều thời kỳ lịch sử, nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của người dân trong nước mà cả du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, hiện nay, quanh hồ Gươm vẫn lưu giữ nhiều di tích và danh thắng nổi tiếng như tháp Hòa Phong, vườn hoa và tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đền thờ Vua Lê, cũng như các không gian ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu và Hàng Khay - Hàng Bài. Hệ thống cây xanh là một phần quan trọng tạo nên vẻ đẹp đặc sắc của hồ Hoàn Kiếm. Nhiều cây cổ thụ đã trở thành biểu tượng gắn liền với khu vực này. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và cảnh quan, từ năm 2013, quần thể di tích hồ Hoàn Kiếm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
- Là người chứng kiến nhiều lần cải tạo cảnh quan hồ Gươm, theo ông Hà Nội cần rút ra những bài học kinh nghiệm gì từ những lần cải tạo trước?
- Từ năm 1954 đến nay, Đảng, Nhà nước và Trung ương luôn dành sự quan tâm sâu sắc trong công tác chỉ đạo phát triển thành phố Hà Nội, đặc biệt là khu vực hồ Hoàn Kiếm. Cụ thể, qua 7 lần quy hoạch chung, khu vực hồ Gươm luôn được xác định là trung tâm Thủ đô với định hướng cần được bảo tồn di sản, cảnh quan và phát huy giá trị để đảm nhiệm được chức năng là trung tâm, là không gian công cộng. Giai đoạn từ năm 1990 - 1994, Đảng và Nhà nước đã quan tâm sát sao, ban hành nhiều chỉ đạo cụ thể. Những văn bản chỉ đạo này chính là cơ sở quan trọng để đến năm 1996, Bộ Xây dựng, theo ủy quyền của Thủ tướng, phê duyệt quy hoạch khu vực hồ Gươm.
Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng đạt được kết quả như mong muốn. Một số công trình đã được triển khai thành công, nhưng cũng có những dự án thất bại. Chẳng hạn, đài phun nước Đông Kinh Nghĩa Thục từng nhiều lần được đề xuất cải tạo, song đều không thành công do thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng và chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
Tương tự, các dự án mở rộng Thủy Tạ hay lắp đặt hệ thống chiếu sáng dưới đáy hồ Gươm cũng gặp thất bại, chủ yếu do chưa cân nhắc đầy đủ các yếu tố văn hóa... Ngoài ra, việc quy hoạch và cải tạo khu vực này cần chú trọng đến địa tầng để tránh nguy cơ sụt lún khi triển khai các công trình ngầm.
- Theo ông, Hà Nội cần có những giải pháp nào để việc cải tạo không gian quanh hồ Gươm và vùng phụ cận vừa bảo tồn được giá trị di sản, vừa phát huy tiềm năng của khu vực này?
- Theo tôi, Thành phố Hà Nội cần một nghiên cứu tổng thể, đa ngành, đặc biệt là lắng nghe nguyện vọng của người dân, bởi đây không chỉ là một dự án lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực mà còn tác động trực tiếp đến không gian văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Chẳng hạn, việc xác định vị trí cột mốc số 0 cần dựa trên những căn cứ khoa học và đo đạc chính xác bởi cột mốc này không đơn thuần là một biểu tượng, thể hiện vị thế của Hà Nội với cả nước, mà còn mang ý nghĩa khoa học định lượng. Với hệ thống cây xanh quanh hồ, cần có sự nhận diện đầy đủ về các cây di sản để đưa ra giải pháp bảo tồn hợp lý. Đối với vườn hoa, có thể chia thành sáu khu vực theo thiết kế, nhưng thay vì phân theo mùa, nên kết hợp nhiều loại hoa để tạo sự thống nhất hài hòa quanh hồ...
Trong quá trình mở rộng quảng trường và cải tạo hệ thống giao thông kết nối với khu vực hồ Gươm, cần một cái nhìn thận trọng, tránh nóng vội. Không thể vì nhu cầu phát triển trước mắt mà làm mất đi những công trình có giá trị. Những tòa nhà chỉ là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử ngắn có thể xem xét tháo dỡ để trả lại không gian công cộng, nhưng với các công trình mang tính biểu tượng, có giá trị kiến trúc và dấu ấn lịch sử rõ nét, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra giải pháp phù hợp nhất.
Mọi đô thị đều phải thay đổi để thích nghi với sự phát triển, nhưng những thành phố có bản sắc là những nơi biết gìn giữ quá khứ ngay trong lòng hiện tại. Hà Nội cần một quá trình cải tạo có chiều sâu, có tính toán cẩn trọng, nơi mỗi quyết định đều được cân nhắc trên cả góc độ quy hoạch lẫn di sản và ký ức đô thị. Tôi tin rằng, nếu có một lộ trình minh bạch - với sự tham vấn của chuyên gia, sự đối thoại công khai với cộng đồng, Hà Nội hoàn toàn có thể phát triển mà vẫn giữ được hồn cốt của mình, thứ làm nên nét đặc trưng và sâu lắng của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Lan