Một góc TP Đà Lạt
Lâm Đồng xác định không phát triển đơn lẻ, mà đặt mình trong chiến lược liên kết vùng - hợp tác quốc tế - đổi mới mô hình tăng trưởng. Tỉnh đã và đang tập trung thực hiện Quy hoạch phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời chủ động đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng chiến lược như cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đặc biệt là tuyến Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư.
Lâm Đồng đang phấn đấu vươn lên là tỉnh phát triển khá của cả nước, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng, năng suất lao động tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng nhìn nhận rõ những rào cản nội tại là kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số, thiếu liên kết; công nghiệp còn manh mún, đầu ra chưa ổn định; chính sách thu hút đầu tư chưa tạo được đột phá.
Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp tới tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở hợp nhất 3 tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông. Tỉnh Lâm Đồng xác định, trong giai đoạn phát triển mới, 3 trụ cột chính là văn hóa - du lịch - thương mại sẽ không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn là không gian sáng tạo để hội tụ trí tuệ, bản sắc, công nghệ và nguồn lực xã hội, tạo nên sự bứt phá của tỉnh.
Tại diễn đàn Kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” tỉnh Lâm Đồng năm 2025, các tọa đàm để phát triển du lịch, du lịch thông minh với Lâm Đồng hiện hữu và Lâm Đồng sau sáp nhập 3 tỉnh cũng đã được đặt ra với ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành. Trong đó, các vấn đề về thúc đẩy kinh tế hợp tác trong du lich thông minh, du lịch chuyển từ du lịch phong cảnh sang du lịch trải nghiệm - văn hóa - số hóa… đã được đặt ra với du lịch Lâm Đồng. Những cơ hội, thách thức và giải pháp giúp Lâm Đồng sau sáp nhập tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn, tác động từ những chính sách mới; đề xuất giải pháp giúp tỉnh phát triển công nghiệp văn hóa sau khi sáp nhập tỉnh; vai trò của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong phát triển văn hóa, du lịch, thương mại thời kỳ mới; những định hướng của tỉnh Lâm Đồng để phát triển văn hóa, du lịch và thương mại trong thời gian tới.
Có thể khẳng định, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bệ phóng phát triển bền vững, hội nhập và khác biệt. Và tỉnh Lâm Đồng đã và đang hiện thực hóa bằng những chiến lược bền vững.
DIỄM THƯƠNG