Để chính quyền thực sự gần dân, sát với dân, phục vụ và giải quyết nhanh nhất, tốt nhất các vấn đề từ thực tiễn đời sống, việc vận hành không chỉ dừng ở mục tiêu bảo đảm tính liên thông, đồng bộ, cao hơn là phải kiến tạo mô hình quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, trong đó người dân và DN thực sự được đặt ở vị trí trung tâm của mọi hoạt động.
Từ hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã, cả nước chỉ còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, với việc mở rộng không gian phát triển, không tổ chức cấp huyện, mỗi chính quyền cơ sở thực sự là một trung tâm kiến tạo phát triển cho địa phương trong giai đoạn bứt phá mới. Với mô hình tổ chức mới, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã tăng lên rất nhiều, trong đó, tiếp nhận 1.060 nhiệm vụ từ cấp huyện cũ, cùng khoảng 12 nhiệm vụ được phân cấp từ T.Ư và thêm các nhiệm vụ do cấp tỉnh giao. Có thể nói, với sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong kiến tạo một bộ máy hành chính minh bạch, gọn nhẹ, vận hành thông suốt và phục vụ hiệu quả hơn. Chính quyền địa phương cũng hướng tới nền quản trị lấy người dân làm trọng tâm, nền hành chính công hiệu lực, hiệu quả, gần dân, vì dân hơn và từ đó đem đến những lợi ích thiết thực hơn cho mọi người dân.
Chính quyền địa phương cấp xã đi vào vận hành thông suốt từ ngày 1/7 là kết quả một cuộc chạy đua nước rút chưa từng có của toàn bộ hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở. Trong đó, chuyển đổi số chính là công cụ mang tính đột phá, hỗ trợ lớn cho bộ máy trong hoạt động, đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, quá thời gian thử nghiệm và những ngày đầu cho thấy, vẫn còn một số vướng mắc về phần mềm, tình trạng cắt cứ thông tin dữ liệu, dữ liệu chưa bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” thống nhất dùng chung, thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiều mục trên Cổng Dịch vụ công vẫn gây khó cho người dân. Đây là những vấn đề tiếp tục cần khắc phục để không xảy ra tình trạng tắc nghẽn, gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN.
Trong Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ban hành ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số “về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” cũng đã chỉ ra nhiều nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cụ thể. Đặc biệt, từ 1/7 đến hết năm 2025 chính là giai đoạn đột phá để khắc phục cơ bản những tồn tại cố hữu, hoàn thiện hạ tầng, các nền tảng số dùng chung, chuẩn hóa và thúc đẩy kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu… Trong đó, có những con số đáng chú ý như cung cấp 982 dịch vụ công trực tuyến với số lượng hồ sơ trung bình của mỗi dịch vụ công phát sinh ít nhất 1.000 hồ sơ/năm/tỉnh, 1.139 thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ được thay thế bằng dữ liệu, cắt giảm giấy tờ và chi phí… Đặc biệt, để mang đến sự thuận lợi nhất, người dân và DN sẽ chỉ tương tác với toàn bộ hệ thống qua một cửa duy nhất là Cổng Dịch vụ công Quốc gia và ứng dụng VNeID.
Có thể nói, cùng với sự chuyển động đồng bộ, toàn diện, thông suốt của các bộ phận trong guồng quay của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc khắc phục được những lỗi cố hữu về mặt kỹ thuật, dữ liệu trong chuyển đổi số, sẽ góp phần xây dựng nền hành chính “phục vụ và đổi mới sáng tạo”, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển bền vững, lấy người dân, DN làm trung tâm.
Trần Hà