Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San.
Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San, Chủ tịch Công ty CP Landscape Association (Thành phố Hồ Chí Minh), sáng lập Viện Sáng tạo nghệ thuật kiến trúc cảnh quan, đã nhiều năm theo đuổi ngành kiến trúc nói chung và kiến trúc cảnh quan nói riêng. Theo ông Nguyễn Mạnh Bình San, kiến trúc Việt Nam trong tương lai sẽ vươn lên mạnh mẽ và có chỗ đứng trong bản đồ kiến trúc thế giới.
Nhân dịp trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ của Đồng Nai về xu hướng kiến trúc xanh tạo lập cuộc sống bền vững, kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San đã có chia sẻ những khát vọng của mình trong việc đưa kiến trúc Việt vươn ra thế giới.
Kiến trúc Việt sẽ có chỗ đứng trong bản đồ kiến trúc
Thưa ông, cơ duyên nào đưa ông đến với nghề kiến trúc sư và theo đuổi mảng kiến trúc cảnh quan từ nhiều năm qua?
- Hơn 20 năm trước, tôi làm thuần túy trong lĩnh vực xây dựng, sau đó có người anh chia sẻ về ngành kiến trúc cảnh quan, cảm thấy đây là chủ đề mới mẻ nên bắt đầu tìm hiểu. Dần dần, tôi nhận thấy rằng cảnh quan không chỉ là làm sân vườn mà còn rộng hơn thế; là một phân ngành lớn trong ngành quy hoạch - kiến trúc và có giá trị rất cao. Nó sẽ là ngành nghề “hot” trong tương lai.
“Kiến trúc và kiến trúc cảnh quan Việt là phải tạo dựng ra cái đẹp mang hồn phách Việt Nam, chỉ có thể kiên trì, sáng tạo và vững tin thì chúng ta mới thực hiện được cái đẹp đặc trưng, cái đẹp sáng tạo của kiến trúc Việt” - kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San cho biết.
Vừa học hỏi, vừa nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp đàn anh, chúng tôi dần chuyển hướng sang ngành kiến trúc cảnh quan rồi bắt đầu thấy yêu thích ngành này, vì nó phù hợp với tình yêu thiên nhiên mà mình có sẵn. Tôi vốn yêu thiên nhiên nên làm kiến trúc cảnh quan mới có thể lan tỏa được tình yêu đó của mình, và rồi tôi theo đuổi cho tới hôm nay.
Cụ thể hơn, đối tượng của kiến trúc cảnh quan là thế nào?
- Kiến trúc cảnh quan chính là những không gian bên ngoài công trình kiến trúc nhằm phục vụ cho nhu cầu tất yếu và ngày càng cao của con người và xã hội. Con người không chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển công trình kiến trúc, nội thất tiện nghi bên trong công trình mà còn chú ý đến việc hình thành các không gian cảnh quan ngoài nhà nhằm tạo lập một tổng thể công trình hoàn mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngành kiến trúc cảnh quan đi chi tiết vào thực hiện những sản phẩm này để phục vụ nhu cầu xã hội, do đó càng nhận được nhiều sự quan tâm.
Từ kinh nghiệm của mình, ông đánh giá thế nào về mức độ phát triển về lĩnh vực kiến trúc của Việt Nam, kiến trúc cảnh quan nói riêng trong tương quan với thế giới?
- So với trước đây thì hiện nay, tại các công trình bất động sản, nhất là những công trình tầm cỡ, kiến trúc cảnh quan đã được chú trọng hơn rất nhiều. Không chỉ tập trung vào kiến trúc nội thất mà các công trình còn có kiến trúc cảnh quan thể hiện xứng tầm với mức sống, hưởng thụ của người dân khi kinh tế đã được nâng lên. Nhiều nhà đầu tư đã dùng cảnh quan là câu chuyện để quảng bá, tạo sức hút cho những dự án bất động sản.
Trong lĩnh vực kiến trúc, Việt Nam đã có những tên tuổi, được thế giới công nhận, nhưng mới chỉ là những nỗ lực của cá nhân xuất sắc. Để bước ra thế giới một cách mạnh mẽ, cần phải có sức mạnh cộng đồng, phải nỗ lực phát triển chung, nâng tầm năng lực cùng chí hướng để tạo nên bản sắc. Việt Nam đã có tiếng nói trong một số lĩnh vực và với kiến trúc, tham vọng có chỗ đứng, được sánh vai trong bản đồ kiến trúc là điều có thể, mặc dù rất khó khăn.
Ông vừa nói đến bản sắc, vậy theo ông, đặc trưng của kiến trúc Việt, nhất là kiến trúc cảnh quan, được biểu hiện ở những khía cạnh nào?
- Đặc trưng kiến trúc Việt Nam có được từ đặc trưng bản tính của người Việt Nam. Gốc gác đầu tiên, tôi nghĩ tới nước. Nước là thành tố trọng yếu của người Việt Nam bởi vì dân tộc Việt Nam đã vài ngàn năm sống gắn liền với nước, là một dân tộc bậc thầy về thủy học.
Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San là người có tiếng trong ngành quy hoạch và thiết kế cảnh quan, ông đã tham gia thực hiện trên 100 dự án cảnh quan, hàng chục dự án quy hoạch với các vị trí cố vấn chiến lược phát triển dự án, giám đốc dự án, chủ trì đề tài... Ông cũng là chủ của Khu du lịch Làng Nhỏ có diện tích 200 hécta ở Khánh Hòa và Family Garden ở Thảo Điền (thành phố Hồ Chí Minh).
Nước thì linh hoạt và mềm mại, uyển chuyển, có lẽ cũng giống như căn tính của dân tộc ta từ xưa đến nay. Do đó, về kiến trúc, tôi nghĩ sẽ dễ có sự thích ứng, tiếp thu các ảnh hưởng tốt từ bên ngoài, tương tự lịch sử đã qua của người Việt. Nhưng người Việt rất thông minh, tiếp nhận những yếu tố tốt và phù hợp với mình chứ không bị lệ thuộc, không phá vỡ bản chất của mình. Đó là tính hòa nhập mà không hòa tan.
Về phần tôi, tôi không cổ súy cho việc các du nhập không chọn lựa của kiến trúc thế giới trong hành trình định vị kiến trúc Việt Nam.
Chú trọng vào thiên nhiên là xu hướng của tương lai
Khi cuộc sống của người dân được nâng cao, nhu cầu trở về với thiên nhiên đang là điều được thể hiện rõ nét, ông quan niệm về điều này ra sao?
- Con người chỉ sống trong 2 môi trường, một là môi trường kiến trúc do con người tạo ra, nơi đó là không gian kiến trúc để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người, và thứ hai là môi trường tự nhiên ngoài không gian kiến trúc. Chúng ta sống, sinh hoạt, làm việc chiếm một phần quan trọng thời gian ở môi trường bên ngoài, thế nên phải chú tâm vào điều đó trong kiến trúc, đó cũng là xu thế của thế giới mà Việt Nam cũng phải tiến lên một bước để sánh kịp.
Trong xây dựng, để hài hòa và có cuộc sống bền vững thì phải hạn chế đến mức thấp nhất tác động tới thiên nhiên, trong đó sử dụng vật liệu xây dựng ít tác động đến môi trường.
Mô phỏng không gian của Viện Sáng tạo nghệ thuật kiến trúc cảnh quan trong khuôn viên khu du lịch Làng Nhỏ vừa được hoàn thành.
Thưa ông, với đa số người dân, việc lựa chọn vật liệu xanh, xây dựng xanh chưa phải là điều mà họ cảm thấy bức thiết. Kiến trúc xanh muốn được đẩy mạnh phát triển thì phải làm sao?
- Điều đầu tiên với mỗi công trình, vai trò của chủ đầu tư phải là tiên quyết. Không dễ để thuyết phục chủ đầu tư bỏ kinh phí xây dựng kiến trúc của mình “xanh”, bởi chi phí đầu tư trước mắt cao, trong khi chi phí vận hành lâu dài có thể thấp hơn nhưng lại cần thời gian trải nghiệm, sử dụng thì mới cảm nhận được.
Nhưng tôi cho rằng, khi cuộc sống càng phát triển và mức sống của một bộ phận cư dân được nâng lên thì chính họ lại là những người tiên phong trong việc phát triển kiến trúc xanh, bởi những cảm giác mà chính bản thân đã trải qua. Một điều nữa là chính sách cần có những giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy kiến trúc xanh một cách đồng bộ.
Ông có doanh nghiệp trong ngành kiến trúc và cũng là người sáng lập ra Viện Sáng tạo nghệ thuật kiến trúc cảnh quan. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Như tôi đã nói, kiến trúc Việt rồi sẽ có tên trên bản đồ thế giới và bằng mọi giá chúng ta phải làm được. Thế hệ chúng tôi nỗ lực chuẩn bị, các thế hệ tiếp nối sẽ đi tiếp khát vọng này. Muốn làm được điều đó rất khó, trong đó sáng tạo là yêu cầu rất cấp thiết mà chúng ta lại đang hạn chế về khâu này.
Viện Sáng tạo nghệ thuật kiến trúc cảnh quan xuất hiện nhằm mục tiêu đó. Sinh viên sẽ được học tập với những người truyền cảm hứng, những KOL đứng đầu ngành kiến trúc cảnh quan và thiết kế, làm việc thực tế cho các dự án như một chuyên viên chuyên nghiệp. Viện đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành thiết kế cảnh quan, kiến trúc, nghệ thuật sáng tạo đạt chuẩn quốc tế vào năm 2030.
Xin cảm ơn ông!
Đào Lê (thực hiện)