Kiều bào ở Thụy Sĩ kỳ vọng vào quá trình 'sắp xếp lại giang sơn'

Kiều bào ở Thụy Sĩ kỳ vọng vào quá trình 'sắp xếp lại giang sơn'
7 giờ trướcBài gốc
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh mỗi ngày tiếp khoảng 500 lượt công dân đến thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN
Trong bức thư ngỏ gửi Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, bà Ngọc Dung Moser – Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ, viết rằng: “Đất nước chúng ta bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình, hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Là những người con xa xứ, chúng tôi đón mừng sự kiện này với niềm tin sâu sắc, lòng biết ơn và niềm tự hào mang tên Việt Nam. Chúng tôi tin rằng đây là một chương mới trong lịch sử dân tộc, mang theo tầm vóc lớn hơn, ý thức sâu sắc hơn. Vùng trời quê hương nào cũng là vùng trời Tổ quốc và trái tim mỗi con người Việt Nam, dù đang ở đâu, vẫn luôn hướng về đất mẹ với tình yêu và trách nhiệm”.
Bà Ly Pham - thành viên Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ, cũng có rất nhiều kỳ vọng vào công cuộc “sắp xếp lại giang sơn” của Việt Nam. Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Ly Pham cho rằng, việc Việt Nam đẩy mạnh xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và, đặc biệt là việc sáp nhập các đơn vị hành chính để hình thành chính quyền địa phương 2 cấp là quyết sách chiến lược rất đáng hoan nghênh. Bà chia sẻ: “Tôi đặc biệt tâm đắc với cụm từ ‘sắp xếp lại giang sơn’ mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến. Đối với tôi, đây không chỉ là một cách diễn đạt hình ảnh, mà còn thể hiện tầm nhìn vĩ mô và ý chí quyết tâm của lãnh đạo Việt Nam trong việc tái định hình không gian phát triển quốc gia. Từ góc độ của một doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động và có mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam, chúng tôi cảm nhận được đây là bước đi táo bạo và cần thiết để Việt Nam vươn mình mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới, tối ưu hóa mọi tiềm năng”.
Cũng theo bà Ly Pham, việc hợp nhất các đơn vị hành chính mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho đất nước. Trước hết là giúp tối ưu hóa bộ máy và giảm gánh nặng ngân sách quốc gia. Một hệ thống quản lý hành chính tinh giản sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành từ nhân sự, trụ sở cho đến chi phí thường xuyên. Điều này giải phóng nguồn lực tài chính quan trọng để Chính phủ có thể tái đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội – những yếu tố tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn và bền vững. Đây chính là bước tiến cụ thể trong quá trình hiện đại hóa quản lý công, phù hợp với xu thế quốc tế. Thứ hai là sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả quản lý và khả năng điều hành của bộ máy mới khi quy mô quản lý được mở rộng và năng lực tổ chức, thực thi các chính sách của chính quyền được tăng cường. Các quyết sách sẽ được hoạch định dựa trên tầm nhìn tổng thể và dài hạn hơn, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của các vùng liên kết. Các đơn vị hành chính sau sáp nhập có điều kiện tổ chức lại hệ thống hạ tầng và dịch vụ công, tạo ra lợi thế quy mô và giảm thiểu chồng chéo trong chỉ đạo, điều phối.
Nữ Giám đốc phát triển thị trường của công ty công nghệ JANZZ.Technology tại Zurich cho rằng, chủ trương mới sẽ đẩy mạnh liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Các địa phương có sự tương đồng về vị trí, văn hóa và kinh tế được hợp nhất sẽ hình thành nên các trung tâm kinh tế - hành chính quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và khả năng thu hút đầu tư chất lượng tốt hơn. Đây là điều rất quan trọng để giảm phân tán nguồn lực, cải thiện hạ tầng kết nối, tạo thị trường lớn hơn và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế nói chung.
Anh Hiển (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/nguoi-viet-4-phuong/kieu-bao-o-thuy-si-ky-vong-vao-qua-trinh-sap-xep-lai-giang-son-20250715222352789.htm