Nhiều trường tin rằng đọc to kết hợp vận động mạnh có thể cải thiện trí nhớ, sự tự tin. Ảnh: SCMP.
Nhiều trường trung học ở Trung Quốc đang áp dụng một phương pháp học tập kỳ lạ mang tên “đọc sách buổi sáng nhiệt huyết", với mục tiêu kích thích não bộ, nâng cao tinh thần và giảm bớt áp lực học tập cho học sinh. Phương pháp này kết hợp giữa việc đọc to nội dung trong sách giáo khoa và thực hiện các động tác cơ thể mạnh - được cho là có thể cải thiện trí nhớ, sự tự tin và khả năng tập trung, theo SCMP.
Trong các video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, học sinh trung học đứng trong lớp, lặp lại những động tác lắc lư người, vung tay hoặc nhún nhảy trong khi đọc bài. Một số trường chỉ yêu cầu học sinh đứng yên tại chỗ nhưng phải đọc thật to nội dung sách giáo khoa.
Thông thường, hoạt động này diễn ra trong suốt tiết học buổi sáng kéo dài khoảng 30 phút. Tuy nhiên, tại những ngôi trường nổi tiếng với mô hình quản lý nghiêm khắc kiểu quân đội như trường Trung học Hengshui (tỉnh Hà Bắc), giờ học buổi sáng có thể bắt đầu sớm hơn, từ 6h.
Tại tỉnh Quý Châu, một trường học cho biết hoạt động đọc này được triển khai từ sáng sớm nhằm “kích hoạt sức trẻ và tinh thần học sinh”. Trong khi đó, một trường ở tỉnh Sơn Đông yêu cầu học sinh đọc to sách tiếng Anh lẫn tiếng Trung vào buổi sáng với hy vọng nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, tăng khả năng ghi nhớ và sự tự tin.
Hiện, chưa rõ phong trào này khởi nguồn từ đâu, song các bài viết sớm nhất ghi nhận hoạt động tương tự xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc từ năm 2021. Một trường trung học ở Thiểm Tây được cho là nơi khởi xướng, khi học sinh cuối cấp của trường tự phát thực hiện hoạt động này như một cách giải tỏa áp lực trước kỳ thi đại học.
Áp lực thi cử tại Trung Quốc, đặc biệt là đối với học sinh cấp ba, luôn ở mức cao do tính cạnh tranh khốc liệt của kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, hay còn gọi là gaokao. Năm 2025, nước này ghi nhận 13,35 triệu thí sinh dự thi - chỉ giảm nhẹ so với mức kỷ lục 13,42 triệu vào năm 2024.
Với niềm tin gaokao là con đường gần như duy nhất để đổi đời, nhiều trường tại Trung Quốc đã phát triển các mô hình giáo dục hà khắc. Tiêu biểu là “mô hình Hengshui” do trường Trung học Hengshui phát triển, áp dụng quản lý học sinh theo mô hình quân đội và lịch học kéo dài tới 16 giờ mỗi ngày.
Một học sinh tại trường Trung học số 2 Hengshui cho biết giờ nghỉ trưa của các em chỉ vỏn vẹn 15 phút. Một cựu học sinh khác tại Hà Bắc chia sẻ trường chỉ cho phép tắm hai lần mỗi tuần vì bị coi là tốn thời gian.
Một cựu học sinh từng trải nghiệm hoạt động đọc sách cũng chia sẻ rằng em bị ép đọc to đến mức khàn cả giọng vì giáo viên bắt học sinh đọc to, thành tiếng mỗi sáng.
Phong trào đọc sách buổi sáng tại các trường nêu trên hiện gây tranh cãi trên mạng xã hội. Một số người cho rằng việc kết hợp vận động với đọc to giúp dễ ghi nhớ những nội dung khó, “ít ra hoạt động này còn tốt hơn việc dán mắt vào điện thoại cả ngày".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến hoài nghi hiệu quả của phương pháp này. “Liệu các em có đọc được gì không khi phải nhảy nhót như thế?”, một người đặt câu hỏi.
Tú Anh