Kim ngạch Hồ tiêu quý I/2025 tăng mạnh, giá xuất khẩu đạt kỷ lục

Kim ngạch Hồ tiêu quý I/2025 tăng mạnh, giá xuất khẩu đạt kỷ lục
một ngày trướcBài gốc
Hồ tiêu Việt Nam khép lại quý I/2025 với niềm vui xen lẫn nỗi lo.
Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 48.000 tấn tiêu, giảm 16,1% về lượng, nhưng tăng tới 38,6% về kim ngạch, đạt hơn 326 triệu USD. Trong đó, tiêu trắng - phân khúc cao cấp, chiếm gần 20% và được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng gần 88%, phản ánh tín hiệu hồi phục từ thị trường này, dù vẫn chịu ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát biên mậu. Trong khi đó, giá tiêu nội địa đã vọt lên 157.000 đồng/kg đầu tháng 4, tăng hơn 73% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân cũng đạt kỷ lục: 6.695 USD/tấn tiêu đen và 8.601 USD/tấn tiêu trắng.
Tuy nhiên, nắng hạn kéo dài tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất vườn tiêu. Dù giá cao, người dân vẫn chưa đẩy mạnh bán ra do đã có nguồn thu ổn định từ cà phê và sầu riêng. Tình trạng thiếu nước tưới và phân hóa mầm hoa yếu có thể gây bất lợi cho vụ mùa tiếp theo.
Theo VPSA, dù thị trường tiêu đang khởi sắc, xu hướng tái canh cây tiêu tại Việt Nam vẫn chậm lại do quỹ đất hạn chế và nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, thị trường Mỹ - vốn là điểm đến hàng đầu vẫn chưa ổn định do chính sách thuế nhập khẩu 10% đang chờ điều chỉnh.
Hồ tiêu Việt Nam khép lại quý I/2025 với niềm vui xen lẫn nỗi lo.
Ở chiều ngược lại, chi phí vận tải giảm và tỷ giá USD tăng đang phần nào hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực đầu vào. Tuy nhiên, nhiều đơn hàng dài hạn vẫn đang tạm hoãn do các bên chờ diễn biến chính sách thương mại quốc tế rõ ràng hơn.
Trên bình diện toàn cầu, Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC) dự báo sản lượng thế giới năm 2025 có thể giảm 6,1%, trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn duy trì xu hướng tăng. Giá tiêu đen tại các quốc gia xuất khẩu lớn đều tăng so với cùng kỳ, đem lại lợi thế cho nhà sản xuất nhưng tạo thêm áp lực chi phí cho nhà nhập khẩu và doanh nghiệp chế biến.
Tại thị trường Mỹ, lượng nhập khẩu trong tháng 2/2025 giảm mạnh 33,3% so với tháng trước, dù tính chung hai tháng đầu năm vẫn tăng 5,3%. Thị phần của Việt Nam tại Mỹ giảm gần 19%, trong khi Indonesia ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn 230%.
Ngành Hồ tiêu Việt Nam cần phải đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Châu Âu tiếp tục là khu vực yêu cầu cao về an toàn thực phẩm. Chỉ trong quý I, đã có 15 cảnh báo về gia vị, trong đó gần một nửa liên quan đến ớt. Đây là lời cảnh báo cho ngành xuất khẩu cần đầu tư nghiêm túc vào truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng.
Một số quốc gia có biến động đáng chú ý: Brazil tăng sản lượng lên khoảng 90.000 tấn, đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam và EU nhờ công nghệ xử lý vi khuẩn Salmonella; Indonesia dự kiến giảm sản lượng 8,7% nhưng giá tiêu vẫn duy trì ở mức rất cao nhờ tồn kho thấp và nhu cầu ổn định.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều biến động, VPSA khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa nguồn cung, đầu tư vào chất lượng sản phẩm và chuẩn hóa quy trình truy xuất. Sự phối hợp chặt chẽ giữa người trồng - doanh nghiệp - hiệp hội sẽ là nền tảng giúp ngành hồ tiêu Việt Nam vượt qua khó khăn, duy trì vị thế trên bản đồ gia vị thế giới.
Tin, ảnh: Lưu Niệm/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/kim-ngach-ho-tieu-quy-i2025-tang-manh-gia-xuat-khau-dat-ky-luc-20250417212454890.htm