Khuôn viên Nhà văn hóa xóm 1, xóm 2, xã Như Hòa (Kim Sơn) được đầu tư lắp đặt thêm nhiều thiết bị thể dục thể thao để người dân luyện tập, nâng cao sức khỏe.
Chú trọng phát triển sản xuất
Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là “cái gốc”, là “đòn bẩy” để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí khác trong quá trình xây dựng NTM, huyện Kim Sơn đã tập trung chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện tiêu chí này.
Do kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên trước tiên huyện tập trung ưu tiên, đầu tư chuyển dịch, tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả. Với diện tích gieo cấy hàng năm khoảng 16.000 ha, để nâng cao thu nhập từ cây lúa, huyện Kim Sơn đã thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo nên các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, nhất là khâu gieo cấy nhằm giảm chi phí.
Bên cạnh đó, nhiều giống lúa chất lượng cao được huyện đưa vào sản xuất như: Bắc thơm số 7, Hương Bình, Nếp 97, LT2, Nếp hương... Đặc biệt, những năm gần đây huyện chú trọng khôi phục, phát triển các giống lúa đặc sản truyền thống như Nếp cau, Tám, Dự... gắn với việc canh tác theo hướng hữu cơ, từ đó thương mại hóa, xây dựng thành các sản phẩm OCOP, từng bước tạo dựng thương hiệu, nâng cao giá trị lúa gạo địa phương.
Ngoài cây lúa, nông dân Kim Sơn cũng quan tâm đầu tư phát triển diện tích cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao (vùng trồng na ở các xã Lai Thành, Kim Mỹ; vùng trồng dưa lê, dưa hấu, táo, thanh long ở các xã ven biển; vùng trồng rau xanh ở xã Thượng Kiệm...). Đặc biệt, tận dụng lợi thế đặc trưng của huyện ven biển, thời gian qua, huyện tạo mọi điều kiện để người dân đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ, với các đối tượng nuôi chính là tôm thẻ, tôm sú, cua rèm, cá bống bớp, cá vược, ngao…
Những năm gần đây, các hộ nuôi tôm mạnh dạn đầu tư nhà bạt, áp dụng công nghệ tiên tiến để nuôi tôm vụ đông, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh toàn vùng tăng lên nhanh chóng, đạt trên 300 ha, trong đó có 75 ha nuôi siêu thâm canh, thu nhập hàng tỷ đồng/ha. Ngoài ra, toàn huyện còn có hơn 300 trại sản xuất giống hàu, ngao, sò huyết, đưa địa phương trở thành “thủ phủ” sản xuất giống nhuyễn thể của khu vực phía Bắc.
Nhờ các giải pháp đồng bộ trên mà giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 1 ha của huyện Kim Sơn những năm qua luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Năm 2023 đạt 209,6 triệu đồng/ha, gấp 2,4 lần so với năm 2010.
Song song với phát triển nông nghiệp, huyện Kim Sơn cũng rất chú trọng phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhiều làng nghề truyền thống được giữ gìn, mở rộng quy mô, trong đó mới đây, nghề cói của địa phương đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện, nghề cói đang giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động nông nhàn, với mức thu nhập từ 2-5 triệu đồng/ người/tháng.
Cụm công nghiệp Đồng Hướng đã được mở rộng và được các doanh nghiệp đầu tư phủ kín diện tích. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá mạnh, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế và làm tăng thu nhập cho người lao động.
Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 68,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 (đã trừ hộ không có khả năng lao động) trên địa bàn các xã đều đạt dưới 1,5%.
Ra mắt thêm các xã NTM nâng cao và kiểu mẫu
Năm 2024, huyện Kim Sơn phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Hùng Tiến, Như Hòa, Văn Hải) và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Thượng Kiệm); 33 thôn, xóm đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Theo đó, các địa phương đang ra quân sôi nổi, triển khai các phần việc để hoàn thành đúng kế hoạch.
Về xã Như Hòa, chúng tôi chứng kiến nhiều khu dân cư, bà con đang tập trung huy động phương tiện, nhân lực tiến hành chỉnh trang lại đường làng, ngõ xm, hàng rào, cải tạo môi trường nông thôn… để hoàn thành các tiêu chí của xã NTM nâng cao. Như tại tuyến đường liên xóm 1,2,3, hàng chục người dân đang tiến hành cắt tỉa cây xanh, dọn vệ sinh. Được biết, trước đây tuyến đường này nhỏ hẹp, đi lại khó khăn nhưng trong quá trình xây dựng NTM nâng cao bà con đã bảo nhau cùng đóng góp tiền của, ngày công kè mở rộng, kết hợp trồng hoa, cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng.
Ông Nguyễn Văn Mật, xóm Trưởng xóm 1, xã Như Hòa chia sẻ: Để hoàn thiện các tiêu chí của khu dân cư NTM kiểu mẫu không phải là câu chuyện một sớm, một chiều mà cần có quá trình phấn đấu bền bỉ, từ sự hỗ trợ của Nhà nước đến sự chung tay góp sức của mỗi người dân, trong đó người dân là chủ thể. Do vậy, khi triển khai, chúng tôi chú trọng đề cao vai trò tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên cho đến từng người dân. Cả xóm có hơn 150 hộ, 500 khẩu nhưng 3 năm qua bà con đã đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công để tu sửa nhà văn hóa, mua sắm loa đài, lắp đặt các thiết bị thể dục thể thao, mở rộng đường... Đến nay xóm 1 đã hoàn thành các tiêu chí của khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Phấn khởi trước thành quả xây dựng NTM của quê hương, ông Nguyễn Văn Sửu, người dân xóm 1, xã Như Hòa cho biết: Diện mạo, cảnh sắc quê hương thay đổi từng ngày. Trực tiếp thụ hưởng thành quả, chúng tôi động viên nhau góp công, góp sức cùng chính quyền giữ vững và nâng cao hơn các tiêu chí NTM của địa phương.
Được biết, hiện tại, xã Như Hòa đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí của xã NTM nâng cao, trong năm xã xây dựng thêm được 4 khu dân cư NTM kiểu mẫu, nâng số khu dân cư NTM kiểu mẫu toàn xã lên 5 khu (đạt trên 45% tổng số khu dân cư).
Đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024, ngay từ đầu năm, Chính quyền và Nhân dân xã Văn Hải cũng đã linh hoạt, đẩy nhanh các phần việc đề ra. Những ngày này, các khu dân cư, tổ liên gia triển khai xây dựng NTM theo nhóm nhỏ, các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... linh hoạt hỗ trợ các xóm.
Đồng chí Vũ Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hải cho biết: Phát huy triệt để phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, mỗi gia đình trong xã đều được vận động, khuyến khích tham gia thực hiện nhiệm vụ chung tùy theo khả năng, điều kiện của mình. Từ việc đơn giản như thay đổi nền nếp sinh hoạt, lao động; chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia các phong trào văn hóa, thể thao, cho đến hiến đất, góp ngày công lao động, góp vật liệu làm đường giao thông nông thôn.., không ai đứng ngoài cuộc. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động trong dân đạt 173 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, cải tạo cảnh quan môi trường… Qua tự đánh giá, xã đã đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao, 6/15 xóm đạt NTM kiểu mẫu.
Cùng với Như Hòa, Văn Hải, hiện nay, các xã còn lại đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2024 này của huyện Kim Sơn là Thượng Kiệm, Hùng Tiến cũng đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí và đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định, xét công nhận.
Có thể thấy, phong trào xây dựng NTM ở huyện Kim Sơn trong giai đoạn mới đang tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển, qua đó không ngừng củng cố niềm tin và đáp ứng với tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu