Kim tự tháp bí ẩn bị quên lãng ở cố đô Campuchia

Kim tự tháp bí ẩn bị quên lãng ở cố đô Campuchia
5 giờ trướcBài gốc
Cố đô Koh Ker nằm ở tỉnh Preah Vihear, cách đền Angkor Wat khoảng 120 km về phía Đông Bắc. Koh Ker từng là kinh đô của đế chế Khmer trong thời gian ngắn từ năm 928 đến 944 dưới triều đại của vua Jayavarman IV, trước khi kinh đô của Campuchia được dời về Angkor.
Cố đô Koh Ker nổi tiếng với những công trình kiến trúc đá kỳ vĩ, mang đậm dấu ấn của nền văn minh Khmer cổ đại. Điểm nhấn ấn tượng nhất của Koh Ker chính là ngôi đền Prasat Thom, một kim tự tháp bậc thang cao 36m gồm có 7 tầng vươn lên trời cao. Công trình này được bao phủ xung quanh là khu rừng già ôm trọn 76 ngôi đền và 169 điểm khảo cổ, với vô số tác phẩm điêu khắc mang đậm phong cách Khmer. Ngọn kim tự tháp này của Koh Ker càng trở nên nổi tiếng khắp thế giới, kể từ khi khu di tích này được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng 9/2023.
Với ý định ngay từ đầu là tham quan Koh Ker, chuyến đi kéo dài hơn 1 tuần lần này đến Campuchia của gia đình ông Derrick Moulds (từ Sydney, Australia) được dành trọn vẹn cho việc tham quan các ngôi đền trong khu vực. Cái nắng giữa trưa bỏng rát của tháng 5 cũng không thể cản từng bước chân trải nghiệm của ông khi khám phá khu đền cổ Koh Ker.
Du khách thích thú khi đứng trên đỉnh "kim tự tháp" Koh Ker
Ông Derrick Moulds chia sẻ: “Nơi nổi tiếng nhất tại Campuchia vẫn phải là quần thể Angkor, nhưng đền Koh Ker này cũng rất tuyệt vời. Từ xa bước lại gần là một cảm giác choáng ngợp trước công trình hoành tráng chẳng khác gì kim tự tháp tại Ai Cập, thực sự là độc đáo. Hành trình leo lên đỉnh tháp không hề dễ dàng, nhưng hoàn toàn xứng đáng, từ trên đó có thể thưởng thức trọn vẹn khung cảnh núi non, làng mạc, rừng cây. Phải nói là tuyệt diệu. Tôi đã mường tượng trước rằng Campuchia sẽ rất tuyệt vời, với những ngôi đền kỳ vĩ và thực tế đúng là như vậy”.
Đến Koh Ker ngày nay, không nhiều du khách biết rằng nơi đây từng là một vùng chiến sự ác liệt. Và chỉ một năm trước khi được UNESCO vinh danh, khoảng 400 héc-ta rừng xung quanh quần thể đền này vẫn rải rác những bãi mìn và vật liệu nổ sau chiến tranh.
Sinh ra và lớn lên tại đây, ông Ket Taxy hiện là nhân viên cảnh sát đảm bảo trật tự trị an tại khu vực đền Koh Ker. Ông hồ hởi chia sẻ về những kỷ niệm cách đây hơn 40 năm, khi ông cùng người dân địa phương sống cùng và tham gia phục vụ công tác chiến đấu cùng những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đóng quân tại các khu đền cổ trong rừng già quanh khu vực đền Koh Ker để tấn công, truy quét tàn dư của lực lượng diệt chủng Khmer Đỏ.
Ông Ket Taxy cũng hi vọng rằng, sẽ ngày càng nhiều du khách từ Việt Nam và các nước khác đến thăm đền Koh Ker, góp phần mang lại sự đổi thay và phát triển hơn nữa cho vùng đất quê hương ông: “Chúng tôi mong muốn được thấy nhiều du khách đến thăm đền. Mong rằng chính quyền sẽ đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, tiện nghi du lịch cũng như tổ chức phương án khai thác bền vững và hiệu quả nhất để nơi này thu hút nhiều du khách. Để mỗi du khách đến đây sẽ góp phần quảng bá, lan tỏa về vẻ đẹp của khu đền với nhiều người hơn nữa”.
Với thế giới bên ngoài, Koh Ker gần như bị lãng quên trong suốt hơn 1.000 năm, nhưng thực ra quần thể đền này vẫn luôn là địa điểm linh thiêng gắn liền với các nghi lễ tôn giáo và phong tục tâm linh truyền thống của người dân địa phương, qua nhiều giai đoạn biến động lịch sử. Vẻ đẹp độc đáo về phong cảnh, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc của khu đền, kết hợp với truyền thống văn hóa đặc sắc của các cộng đồng nơi đây, đã và đang góp phần tạo nên một sức hút rất riêng của Koh Ker.
Hiện nay, chủ trương của Chính phủ Campuchia là ưu tiên khai thác Koh Ker như một điểm du lịch sinh thái và văn hóa, thúc đẩy hình thức homestay nhằm giúp du khách kết hợp tham quan những công trình kiến trúc độc đáo tại Koh Ker với việc trải nghiệm phong tục tập quán, đời sống văn hóa của các cộng đồng địa phương, vốn được bảo lưu rất tốt dưới những cánh rừng già tại đây suốt cả nghìn năm qua.
Văn Đỗ, Tuấn Anh/VOV-Phnom Penh
Nguồn VOV : https://vov.vn/du-lich/check-in/kim-tu-thap-bi-an-bi-quen-lang-o-co-do-campuchia-post1199304.vov