1. Tùy hỷ
Tùy hỷ là gì? Tùy là tùy thuận. Tùy sự, tùy lý, tùy quyền, tùy thật.
Hỷ là hỷ khánh, khánh nhân, khánh quả, khánh hạnh, phụng hành Phật pháp, hoằng dương phật pháp.
Ảnh minh họa thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Nói một cách rõ hơn, tùy sự tức là tùy thuận sự tướng; tùy lý là tùy thuận lý tính. Lý tức là lý thể thực tướng, bổn tính của pháp giới. Bổn tính pháp giới chẳng ngoài một tâm niệm hiện tiền. Một tâm niệm hiện tiền, bao quát tính pháp giới và thể pháp giới. Một tâm niệm hiện tiền, tùy công đức của pháp giới, cho nên nói tùy hỷ công đức.
Bổn thể của Phật tức là lý, lý của Phật cũng tức là pháp thân. Phật xuất hiện ra đời để giáo hóa tất cả chúng sinh trong mười phương, đó là sự. Do lý mà tùy sự, do sự mà tùy lý, đây gọi là lý sự không hai. Sự chẳng lìa lý, lý chẳng rời sự. Nhìn lại là hai, song kỳ thật là một, nhìn lại là một, nhưng lại có thể phân làm hai.
Cho nên nói hai chẳng phải hai, chẳng phải hai mà hai, tức là lý trung đạo. Tùy quyền tùy thật công đức, tức là công đức tùy hỷ của Phật nói về quyền, công đức tùy hỷ của Phật nói về thật. Mình có nhân lành thì mới nghe được diệu pháp, đây là nhân của sự hỷ khánh mà gặp được diệu pháp này. Sau bất kể chúng sinh nào trong 4 loài, 6 đường được nghe, được biết tới diệu pháp mà chuyên tâm tu trì, thì tức là đang gieo nhân Bồ đề.
2. Chúng sinh 4 loài, 6 đường
Bốn loài là loài sinh bằng trứng, bằng thai, bằng ẩm ướt, bằng biến hóa sinh ra. Sáu đường chúng sinh là trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục.
Loài sinh bằng trứng thì trứng do tưởng mà sinh ra, loại sinh bằng thai thì thai do tình mà có, loài sinh bằng ẩm ướt thì nhờ ẩm ướt mà hợp cảm, loài biến hóa thì nhờ hóa mà ly ứng. Tóm lại, loài sinh bằng trứng, thai, ẩm ướt, biến hóa, đều là nghiệp quả sở cảm; tình tưởng ly hợp, đều là nghiệp nhân năng cảm.
Loài sinh bằng thai: Do ái tình mà sinh ra. Loài sinh bằng trứng: Chỉ nhờ loạn tưởng mà sinh ra. Loài sinh bằng ẩm thấp: Ngửi hương tham vị phối hợp mà cảm. Loài sinh bằng biến hóa: Chán cũ vui mới, nhờ đó mà ứng. Đây là chúng sinh của dục giới. Chúng sinh có hình thuộc về sắc giới; chúng sinh vô hình thuộc về cõi vô sắc, chúng sinh không thức nhị biên xứ. Vô tưởng là chúng sinh vô sở hữu xứ. Phi hữu tưởng phi vô tưởng là chúng sinh phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là tên gọi của chín loài chúng sinh.
(Loài không chân là loài giun, v.v... Loài hai chân là chó, gà, chim, v.v... Loài bốn chân là cọp, sư tử, v.v... Loài nhiều chân là rết, cuốn chiếu, v.v...)
3. Sáu thần thông của bậc A – la – hán
(1). Thiên nhãn thông: Nhìn thấy được cảnh giới khoái lạc của trời, người; thấy được tình hình thọ khổ dưới địa ngục (Thí dụ của bậc Thánh nhìn thấu mọi sự lý trên đời)
(2). Thiên nhĩ thông: Nghe được trời, người nói chuyện. (Thí dụ cho bậc Thánh bao dung lắng nghe mọi nỗi lòng của mọi chúng sinh than vãn)
(3). Tha tâm thông: Biết được trong tâm người khác nghĩ việc gì. (Thí dụ của bậc Thánh thấu hiểu tâm can chúng sinh)
(4). Túc mạng thông: Quán sát được nhân duyên quá khứ, nhân quả tương lai của mình và người khác. (Hiểu lý nhân quả)
(5). Thần túc thông: Có thể hành động trong định, đến đi tự tại. (Định lực không mất, kiên cố, sống tự tại)
(6). Lậu tận thông: Quét trừ tận gốc mọi phiền não, không còn 1 vọng tưởng nào, các lậu đã sạch.
4. Năm điều quán tưởng khi ăn
Trước khi chúng ta ăn cơm phải niệm:
"Phật chế Tỳ Kheo,
Thực tồn ngũ quán,
Tán tâm tạp thoại,
Tín thí nan tiêu."
Nghĩa là: "Phật dạy hàng Tỳ Kheo, khi ăn phải quán năm điều, nếu phóng tâm nói bậy, thì thức ăn của đàn na thí chủ khó tiêu." Năm điều quán tưởng là:
(1). Kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ. Nghĩa là: Xem xét công lao bao nhiêu, thức ăn từ đâu đến!
(2). Thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng. Nghĩa là: Tính xem đức hạnh của mình, có xứng đáng thọ dùng hay chưa!
(3). Phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông. Nghĩa là: Phòng ngừa tâm tạo tội, tham lam là gốc.
(4). Chính sự lương dược, vi liệu hình khô. Nghĩa là: Xem thức ăn như thuốc hay, để cho thân thể khỏi kiệt sức.
(5). Vi thành đạo nghiệp, ứng thọ thử thực. Nghĩa là: Quyết thành đạo nghiệp, mới thọ cơm này.
Nếu có sự quán tưởng năm điều này, thì thức ăn chắc chắn sẽ tiêu hóa. Nếu chẳng quán tưởng năm điều này, thì chắc khó mà tiêu hóa, do đó có câu:
“Tam tâm bất liễu thủy nan tiêu,
Ngũ quán nhược minh kim dịch hóa.”
Nghĩa là: Nếu ba tâm chẳng rõ, thì dù uống một ly nước của thí chủ, cũng chẳng tiêu hóa được. Nếu minh bạch năm điều quán tưởng này, thì dù một bữa ăn đáng giá một cân vàng, cũng tiêu hóa dễ dàng. Cho nên người xuất gia khi ăn cơm trưa, thì phải niệm cúng dường.
Bài niệm cúng dường này để tự người tu hành nhắc nhở rằng mình là bậc tu hành, phải sống sao cho xứng đáng miếng cơm, chén nước thọ nhận từ chúng sinh. Mọi thực phẩm trên đời không tự dưng mà có, đều là nhờ nhân duyên ngày đêm vất vả của người dân, khó khăn, cực nhọc trăm bề, vì lẽ đó khi thọ nhận phải biết ơn, phải tu hành sao cho xứng đáng, ăn để nuôi thân không phải để tham đắm vào đó.
5. “Danh” Tỳ Kheo, Thanh văn, Bích Chi Phật, Bồ tát
Tiếng Tỳ Kheo: Tỳ Kheo dịch là "khất sĩ", bên ngoài khất thực để nuôi dưỡng sắc thân, bên trong khất pháp để nuôi huệ mạng. Người Trung Quốc cũng gọi Tỳ Kheo là hòa thượng. Đời sống của hòa thượng làm những việc mà người không làm được, nhẫn những việc mà người chẳng nhẫn được, tu nhẫn nhục Ba la mật, tuyệt đối chẳng nóng giận, đời sống đạm bạc, đối với đời chẳng tranh, đối với người chẳng cầu.
Chỉ cầu giải thoát tự tại, cho nên chẳng tham tiền tài, chẳng kết hôn, chẳng cầu danh lợi, chẳng ăn thịt, chẳng ngủ nhiều, chẳng luyến ái năm dục, chuyên tâm tu đạo, thì dễ dàng thành tựu. Do đó, mới nói người xuất gia là làm việc của bậc trượng phu, chẳng phải một số người làm được.
Tiếng Thanh văn: Các Ngài nghe Phật nói pháp tứ diệu đế mà ngộ đạo, cho nên gọi là Thanh văn (Thanh là âm thanh, văn là giáo lý, nghe âm thanh giáo lý mà giác ngộ). Song, các Ngài tự độ mà chưa thể độ người khác, tự giác mà chẳng giác ngộ được chúng sinh khác, nên gọi là tự lợi mà chẳng lợi ích người đời.
Tiếng Bích Chi Phật: Tức cũng là Duyên giác, quán sát mười hai nhân duyên mà giác ngộ, nên gọi là Duyên giác (Nhờ duyên mà giác ngộ). Nhờ quán sát nhân duyên thời Phật tại thế gọi là Duyên giác, quán sát nhân duyên mà ngộ đạo thời không có Phật gọi là Độc giác (Độc cư, một mình, tự mình giác ngộ). Các Ngài ở trong thâm sơn cùng cốc, nghiên cứu lý vạn vật sinh diệt, mùa xuân quán trăm hoa nở, mùa thu quán lá vàng rơi, giác ngộ tất cả là vô thường, chẳng có thầy dạy mà chứng được chân lý, liễu sinh thoát tử.
Tiếng Bồ tát: Các Ngài tu lục độ vạn hạnh, hành Bồ tát đạo, rộng cứu giúp chúng sinh lìa khổ được vui, mới đảo giá từ thuyền, từ cõi Thường Tịch Quang mà đến thế giới Ta Bà, để phổ độ chúng sinh, và còn phát đại nguyện: "Chúng sinh độ hết mới chứng bồ đề", lại nói: “Địa ngục chưa trống không, quyết không thành Phật”.
Người xuất gia tu đạo, phải tu phước và tu huệ, không thể thiên lệch. Nếu chỉ chuyên tu một bên, thì công đức chẳng thể viên mãn, do đó có câu:
"Tu phước chẳng tu huệ,
Làm voi mang chuỗi hạt;
Tu huệ chẳng tu phước,
Khất thực ôm bát không."
Tu phước như thế nào? Tức là làm nhiều công đức, cứu tế người khổ nạn. Tu huệ như thế nào? Là giảng kinh thuyết pháp, ấn tống kinh điển lưu truyền.
Ảnh minh họa thiết kế bởi AI
6. Phẩm Bồ tát Thường Bất Khinh
"Thường Bất Khinh"' là tên hiệu của một vị Bồ tát, là một biệt danh, tức là một ngoại hiệu. Vì vị Bồ tát này, một khi thấy người thì cúi đầu đảnh lễ, Ngài nói rằng tất cả chúng sinh rồi đều sẽ thành Phật nên Ngài không khinh khi ai. Do đó, có những vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni gán cho Ngài một cái tên gọi là "Thường Bất Khinh."
"Thường Bất Khinh" lại có thể phân làm bốn thứ giải nói:
(1). Bao hàm ý niệm chẳng khinh mạn.
(2). Tự đầy đủ trí huệ chẳng khinh người.
(3). Ngoài thân hành hạnh môn cung kính tất cả.
(4). Đối với tất cả cảnh giới đều tất cung tất kính, chẳng có tâm phóng dật.
Vị Bồ tát Thường Bất Khinh nhận thức được đủ thứ cảnh giới và sự khảo nghiệm, nên thực hành hạnh pháp môn Thường Bất Khinh, đây là thuộc về thế giới tất đàn (bố thí khắp). Thân của Ngài thực hành hạnh bất khinh, cung hành thực tiễn, đây gọi là vị nhân tất đàn. Miệng của Ngài nói giáo lý bất khinh, những gì nói ra, đều là pháp môn giáo hóa chẳng khinh người khác, đây gọi là đối trị tất đàn. Ngài có một pháp nhìn chẳng khinh mạn đối với người khác, đây gọi là đệ nhất nghĩa tất đàn. Do đó "Thường Bất Khinh" lại bao quát bốn thứ tất đàn này.
Cõi nước của các vị Bồ tát tránh được 8 nạn
(1). Nạn khổ não
(2). Nạn lửa lớn
(3). Nạn nước lớn
(4). Nạn thú dữ
(5). Nạn đao binh
(6). Nạn loài quỷ
(7). Nạn gông cùm
(8). Nạn trộm cướp
Còn nữa...
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tài liệu tham khảo
1. Kinh Diệu pháp Liên Hoa, Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập, Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh, NXB Tôn giáo, 2021.
2. Kinh Diệu pháp Liên Hoa giảng giải (Tập 4), Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập, Hòa thượng Tuyên Hóa giảng giải, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Minh Định, NXB Pagode Kim Quang.