Ngày 12/5, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là quy định trong dự thảo Luật cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi của hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư với lỗ từ hoạt động kinh doanh khác khi xác định thu nhập tính thuế.
Quy định hiện hành không cho phép việc bù trừ này để bảo đảm đóng góp vào ngân sách đối với các khoản lợi nhuận lớn từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư của các doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu cho rằng hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành. Ngoài kinh doanh bất động sản, họ còn kinh doanh những lĩnh vực khác. Vì vậy, với quy định tại dự thảo Luật sẽ tạo thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rủi ro khi doanh nghiệp lợi dụng cơ chế này để trốn thuế. Vì vậy, các đại biểu cho rằng cần có có giải pháp để phòng ngừa.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), hoạt động kinh doanh bất động sản và chuyển nhượng dự án hiện nay là “miếng mồi”, mảnh đất màu mỡ của nhiều doanh nghiệp. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Vì vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt, khách quan của cơ quan thuế để doanh nghiệp không dám trốn thuế, hoạt động công bằng với nhau.
Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị không để doanh nghiệp lợi dụng việc bù trừ lỗ để trục lợi chính sách của Nhà nước.
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng lo ngại doanh nghiệp có thể lợi dụng vấn đề bù trừ lỗ để trục lợi chính sách của Nhà nước. Do đó, ông kiến nghị cần có quy định chặt chẽ, không để doanh nghiệp kinh doanh có chủ đích tạo ra lỗ nhằm mục đích giảm thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, cần có quy định xử lý nghiêm các hành vi gian lận với các doanh nghiệp bù trừ lỗ sai quy định.
Bên cạnh đó, cho ý kiến vào quy định về chuyển lỗ, một số đại biểu đề nghị bỏ nội dung: “Thời gian được chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ” vì Luật Doanh nghiệp không quy định doanh nghiệp bị lỗ mấy năm liên tiếp thì phải tuyên bố phá sản. Nhiều doanh nghiệp dù lỗ đến 5 hoặc 7 năm, họ vẫn tiếp tục đầu tư sản xuất, nên Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không thể quy định cho phép được chuyển lỗ liên tục không quá 5 năm. Cơ quan thuế phải chờ khi nào doanh nghiệp có doanh thu thì họ phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Do đó, cần sửa lại là: “Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế”.
Một số đại biểu khác cũng cho rằng quy định thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ, thực tế đối với doanh nghiệp được hưởng thuế suất 15% hay 17% tùy vào doanh thu từ 3 tỷ đến không quá 50 tỷ là chưa phù hợp với thực tế. Để tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn cố tình làm cho doanh nghiệp bị lỗ, lợi dụng chuyển lỗ để giảm thu nhập tính thuế. Đồng thời làm cho các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém phải cố gắng phấn đấu cải thiện tỉnh hình kinh doanh, nên điều chỉnh thời gian chuyển lỗ phù hợp. Có như vậy, việc quy định về chuyển lỗ mới thực sự có hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí, điều kiện xác định doanh nghiệp có lỗ làm cơ sở để trừ vào thu nhập tính thuế, đảm bảo khách quan, công khai, công bằng, đúng pháp luật, tránh bị lợi dụng để trốn thuế, trục lợi. Bởi, thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp cố tình báo lỗ để trốn thuế nhưng việc phát hiện, xử lý rất khó khăn và không kịp thời.
Về ảnh hưởng của quy định này, theo tính toán trên cơ sở dữ liệu tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023, thì có gần 400 doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh, tổng số lỗ từ các hoạt động khác được bù trừ với lãi của hoạt động kinh doanh bất động sản là khoảng 6.750 tỷ đồng.
Nếu áp dụng quy định mới thì số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp của các hoạt động kinh doanh bất động sản giảm khoảng 1.350 tỷ đồng (6.750 x 20%). Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng, nếu không cho phép bù trừ lỗ từ hoạt động kinh doanh khác với lãi từ kinh doanh bất động sản thì doanh nghiệp vẫn được chuyển số lỗ này sang các kỳ sau, vì vậy, về tổng thể tác động giảm thu sẽ thấp hơn số ước tính.
Thanh Hoa