Cổng thông tin được nâng cấp từ “Cổng thuế điện tử dành cho cá nhân” (https://canhan.gdt.gov.vn), được thiết kế với nhiều chức năng phục vụ tiện lợi, đơn giản nhất cho người dân, hộ gia đình kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế.
Cổng thông tin hỗ trợ tất cả các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh TMĐT kinh doanh trên nền tảng số như Shopee, Lazada, tiki; các hộ cá nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ trên mạng xã hội như Facebook, Zalo…; những trường hợp hoạt động quảng cáo trên các nền tảng quảng cáo như Google, youtube và tại các chợ ứng dụng như CH play, Apple store...
Người kinh doanh thương thương mại điện tử sẽ không còn phải đến tận các cơ quan thuế để nộp thuế. Ảnh: Như Ý.
Bên cạnh việc tạo điều kiện dễ dàng cho hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT dễ dàng thuận tiện kê khai nộp thuế, khuyến khích hoạt động TMĐT, Cổng thông tin còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số-lĩnh vực mà lâu nay đang được coi là bị bỏ lọt, thất thu thuế lớn.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, thông tin về người nộp thuế kê khai trên Cổng thông tin là nguồn thông tin quan trọng trong cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT để phục vụ cho quản lý thuế theo rủi ro. Từ nguồn thông tin này, cơ quan thuế sẽ xác định được các trường hợp, hành vi không kê khai, nộp thuế, trốn thuế khi hoạt động kinh doanh TMĐT.
Đấu tranh quyết liệt để thu hồi nợ thuế
Thời gian qua, ngành thuế đã triển khai các dịch vụ thuế điện tử nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Trong đó, có việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử dành cho doanh nghiệp (eTax). Đến nay, đã có 99,9% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký, sử dụng ứng dụng eTax. Trong năm 2024, hệ thống eTax đã tiếp nhận và xử lý hơn 15,5 triệu hồ sơ điện tử. Với eTax Mobile, đã có hơn 4,6 triệu tài khoản đăng ký sử dụng và hơn 10 triệu lượt đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản VNeID để kê khai nộp thuế mọi lúc mọi nơi.
Từ tháng 12/2022, Tổng cục Thuế đã triển khai Cổng thông tin TMĐT để tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT. Đến nay, có 439 sàn TMĐT gửi thông tin đến cơ quan thuế. Từ thông tin các sàn TMĐT cung cấp, cơ quan thuế đã sàng lọc thông tin và có biện pháp quản lý chặt hơn đối với hơn 68.000 tổ chức, 502.000 cá nhân kinh doanh đã được định danh trên sàn và hơn 330 tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Cuối năm 2022, Tổng cục Thuế cũng chính thức triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Và đến nay, có hơn 90.900 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hợp đồng điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng là 1,23 tỷ hóa đơn.
Cổng thông tin vừa tạo điều kiện cho người nộp thuế thuận tiện vừa góp phần khuyến khích thương mại điện tử phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2025 và kích hoạt cổng thông tin, sáng 19/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao hoạt động triển khai các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của ngành thuế. Bộ trưởng Thắng cho biết, năm 2024, đã thu hồi được 61.227 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ. Đặc biệt, khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh chúng ta đã thu hồi được 4.289 tỷ đồng, lớn hơn số thu của 3 tỉnh có số thu thấp nhất.
Nói về tình trạng nợ đọng thuế, mua bán hóa đơn, gian lận thuế, chuyển giá còn diễn ra trong thực tế, ông Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo: Nhiều trường hợp nợ đọng, cố tình chây ì không chịu nộp thuế, vi phạm các quy định hiện hành, không tự nguyện tuân thủ thực hiện pháp luật về thuế... cần được áp dụng các biện pháp quyết liệt để thu. Với trường hợp gian lận về thuế thì phải đấu tranh xử lý nghiêm khắc, không có ngoại lệ.
“Kinh doanh mà trốn thuế một phần thì vẫn còn có cách này cách kia để xem xét cho phù hợp. Với trường hợp không nộp đồng thuế nào mà còn tìm cách trục lợi của Nhà nước thì không thể tha thứ được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
L. Thanh - Q. Thành