Kinh doanh online tại Việt Nam những năm gần đây đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự bùng nổ của thương mại điện tử và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân. Với sự phổ biến của các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki, và Facebook, .... hàng triệu doanh nghiệp và cá nhân đã và đang tham gia vào thị trường trực tuyến. Kinh doanh online không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó tạo ra cơ hội lớn cho các sản phẩm Việt vươn ra thế giới. Tuy nhiên, với sự phát triển này, các cơ quan chức năng cũng đang tăng cường giám sát và thu thuế từ các hoạt động thương mại điện tử để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các cá nhân và doanh nghiệp.
Mua sắm trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử như máy tính bảng.
Theo các quy định hiện hành, trừ các dịch vụ cung cấp nội dung thông tin số, mức thuế suất áp dụng đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thông thường là 1% thuế GTGT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu. Người tiêu dùng khi mua hàng hóa hoặc dịch vụ sẽ không phải chịu thêm thuế. Tuy nhiên, người bán hàng qua thương mại điện tử có trách nhiệm kê khai và nộp thuế đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp kê khai không đầy đủ hoặc nộp thuế trễ, họ sẽ phải chịu phạt tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật. Từ quy định về thuế như trên, các tiểu thương online đã nghĩ ra không ít chiêu trò và truyền tai nhau về chúng để trốn thuế. Nhưng nhìn thấy được sự phát triển nền tảng kinh doanh này, Nhà nước ta cũng có những biện pháp cơ bản để ngăn chặn tình trạng trên.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ra Đề án 06 và Chỉ thị 18 yêu cầu các bộ, ngành gồm: Tài chính, Công an, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước phải chia sẻ, kết nối dữ liệu với nhau để quản lý thương mại điện tử, thì ngành Thuế đã có thể định danh được người bán hàng, có số liệu về doanh thu của họ để quản lý, thu thuế. Trong trường hợp kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, và Facebook, ... thì định kỳ hàng quý người bán hàng phải có bổn phận gửi thông tin về doanh thu của khách hàng cho ngành thuế. Từ 1/4 thì các sàn thương mại điện tử sẽ khấu trừ 1,5% trên doanh thu để nộp thuế thay cho người bán.
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: “Thay vì hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh đó thì chỉ cần 1 đầu mối kê khai là sàn thương mại điện tử. Việc này sẽ giúp tiết kiệm chi phí của toàn xã hội và hỗ trợ cho người nộp thuế là cá nhân người ta không cần phải kê khai từng lần với cơ quan thuế nữa”.
Để phòng ngừa trường hợp người bán hàng “lách luật”, không kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử mà sử dụng các nền tảng mạng xã hội khác để buôn bán, đồng thời tận dụng dịch vụ giao hàng và thu tiền hộ thì cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với các công ty giao hàng nhanh, các nhà mạng viễn thông và các ngân hàng thương mại để tiến hành rà soát và thu thuế đầy đủ. Trên cương vị là Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Phan Vĩnh phát biểu: “Nếu chỉ nắm bắt được số điện thoại thì chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà mạng để xác định định danh chủ sở hữu thuê bao đó, để chúng tôi đấu tranh, yêu cầu đăng ký kê khai nộp thuế”.
Không riêng các lãnh đạo tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế của nước ta – Vũ Mạnh Cường quyết liệt khẳng định: “Phối hợp chặt chẽ với PC03 khi phát hiện những dấu hiệu bất thường để xác minh địa điểm, kho hàng, dữ liệu dòng tiền. Từ đó xác minh ra những trường hợp cố tình chây ì, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước”.
Do nhận thấy và thắt chặt thuế của các tiểu thương kinh doanh trực tuyến, hành động này cũng đã ghi nhận được một số kết quả tích cực, người kinh doanh online cũng đã nhận thức được về nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Cụ thể, chị Lê Thị Hồng Vân, cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử tại Tp. Hà Nội chia sẻ rằng: “Bản thân tôi thì cũng có doanh thu trên 2 tỷ, không giấu được doanh thu ấy với thuế nên tôi đã chủ động để đi kê khai”. Từ đó, số thuế thu được theo ghi nhận trong năm 2024 trên thương mại điện tử đạt khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng 22%. Tại nhiều địa phương, thì số thuế thương mại điện tử đã tăng bằng lần.
Người sử dụng đang xử lý hoặc điền thông tin liên quan đến thuế.
Hiện nay, ngành Thuế đã có đủ dữ liệu của 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Người bán bấy giờ sẽ luôn được các cơ quan thuế nắm chặt chẽ về tình hình kinh doanh như buôn bán mặt hàng gì, giá cả ra sao... Từ đó, thuế thu thương mại trong năm 2025 tại nước ta dự đoán sẽ rất khởi sắc nhờ thắt chặt các hoạt động kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Thanh Ngân